19/07/2022 10:15

Tổng hợp các bản án về đòi tiền thách cưới khi ly hôn

Tổng hợp các bản án về đòi tiền thách cưới khi ly hôn

Theo phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, nhà trai khi cưới vợ phải chuẩn bị một khoản gọi là tiền thách cưới (hay dẫn cưới, nạp tài,..) để chuẩn bị các vật phẩm, sính lễ mang đến nhà gái hỏi cưới cô dâu. Đây được coi là lời cảm ơn chân thành của nhà trai đến nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về và cũng là thành ý của nhà trai chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn.

Khoản tiền này vốn dĩ mang ý nghĩa tốt đẹp, là sự tự nguyện của nhà trai khi hỏi cưới vợ. Tuy nhiên trên thực tế lại xảy ra nhiều trường hợp vợ chồng lấy nhau về, chung sống không hòa hợp dẫn đến ly hôn và người chồng đòi lại tiền thách cưới hoặc sính lễ.

Dưới đây là một số bản án về tranh chấp ly hôn, người chồng đòi lại tiền thách cưới, mời bạn đọc cùng tham khảo:

1. Bản án 04/2019/HNGĐ-ST ngày 24/10/2019 về tranh chấp hôn nhân và gia đình

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

- Tóm tắt vụ án: Chị N và anh C là vợ chồng đến với nhau tự nguyện. Quá trình chung sống mục đích hôn nhân không đạt được nên nay yêu cầu Tòa án xem xét cho hai người ly hôn. Về phía anh C, anh yêu cầu: nếu chị N nhất quyết đòi ly hôn thì anh yêu cầu chị N phải trả lại cho anh số tiền thách cưới, tiền làm cơm (hay còn gọi là Tiền cá) để tổ chức đám cưới là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) và 3.000.000đ (ba triệu đồng) tiền chị N làm vỡ điện thoại của anh, thì anh sẽ đồng ý ly hôn.

- Quyết định của Tòa án: Không chấp nhận yêu cầu của anh C về việc chị N phải trả lại tiền thách cưới, tiền làm cơm đám cưới là 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng) và 3.000.000đ (Ba triệu đồng) chị N làm vỡ điện thoại của anh

2. Bản án 06/2021/HNGĐ-PT ngày 20/07/2021 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn

- Tóm tắt vụ án: Chị A và anh T là vợ chồng, đến với nhau tự nguyện và có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống xảy ra nhiều mâu thuẫn nên nay cả hai cùng nhất trí yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Ngoài ra, bị đơn anh T yêu cầu chị A phải trả lại tiền ăn hỏi, thách cưới với số tiền là 20.000.000 đồng, nhưng chị Hoàng Thị A không đồng ý. Bản án sơ thẩm tuyên không chấp nhận với yêu cầu của anh T về việc chị A phải trả lại tiền ăn hỏi, thách cưới. Do vậy anh T có đơn kháng cáo.

- Quyết định của Tòa án: Không chấp nhận kháng cáo

3. Bản án 07/2021/HNGĐ-ST ngày 27/05/2021 về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Hoàng Su Phì, Tỉnh Hà Giang

- Tóm tắt vụ án: Chị T và anh K là vợ chồng có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống xảy ra nhiều mâu thuẫn nên Chị T làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh K. Về phía anh K yêu cầu Chị T phải trả lại cho anh K số tiền sính lễ cưới hỏi gia đình nhà trai mang đến cho nhà gái tổng số tiền là 28.000.000,đ (Hai mươi tám triệu đồng) bao gồm bánh dày, gạo nếp, lợn, gà, rượu, tiền mặt 13 triệu đồng. Tại phiên tòa, anh K rút yêu cầu về đòi tiền sính lễ.

- Quyết định của Tòa án: Xử cho chị Lù Thị T được ly hôn với anh Lèng Seo K

4. Bản án 07/2020/HNGĐ-ST ngày 18/08/2020 về ly hôn, tranh chấp đòi tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

- Tóm tắt vụ án: Chị S và anh L và vợ chồng có đăng ký kết hôn. Do tình cảm vợ chồng không còn không thể hàn gắn, quá trình chung sống vợ chồng thực tế không có nên chị Hoàng Thị S yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với anh Hoàng Văn L. Anh Hoàng Văn L có đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu chị Hoàng Thị S trả lại cho anh số tiền sính lễ là 25.000.000 đồng, trong đó có 15.000.000 đồng tiền mặt, 10.000.000 đồng tiền thịt lợn móc hàm. Số tiền này có nguồn gốc là tiền của riêng ông Hoàng Văn Leo (Bố ruột anh Lạng) đã cho riêng anh để làm tiền sính lễ xin cưới chị Hoàng Thị S. Do vậy, anh Lạng có quyền định đoạt và quyền đòi lại số tiền này. Số tiền này là anh dùng làm tiền sính lễ để cưới chị Hoàng Thị S, Nay chị Hoàng Thị S muốn ly hôn thì phải trả cho anh số tiền này. Căn cứ cho yêu cầu đòi tiền sính lễ theo bị đơn là tại địa phương khi ly hôn thì cô dâu phải trả lại tiền sính lễ

- Quyết định của Tòa án: Bác yêu cầu đòi tiền sính lễ 25.000.000 đồng của anh Hoàng Văn L.

5. Bản án 05/2018/HNGĐ-STngày 13/04/2018 về xin ly hôn và tranh chấp nuôi con, tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

- Tóm tắt vụ án: chị H và anh T kết hôn trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn. Nay vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, tình cảm vợ chồng không còn, vợ chồng đã ly thân nên chị H xin được ly hôn với anh Lê Văn T. Anh T yêu cầu chị H phải trả lại cho nhà trai 30 (ba mươi) triệu đồng, đây là số tiền mà gia đình anh T đã đưa cho gia đình chị H lúc chuẩn bị làm đám cưới (hay còn gọi là tiền thách cưới nhà trai đưa cho nhà gái).

- Quyết định của Tòa án: Không chấp nhận yêu cầu anh Lê Văn T đòi chị Lý Thị H phải trả 30 triệu tiền sính lễ mà nhà trai đưa cho nhà gái trước khi tổ chức đám cưới.

Qua thực tiễn xét xử cho thấy, đối với vấn đề đòi lại tiền thách cưới, sính lễ khi ly hôn, Tòa án nhận định việc thỏa thuận sính lễ là theo phong tục địa phương, dựa trên sự tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, phù hợp với các quy định tại các Điều 3, 4, 5, 7 Bộ luật dân sự nên được pháp luật chấp nhận. Hơn nữa việc thỏa thuận là do hai bên tự nguyện thực hiện, nhằm mục đích tổ chức đám cưới của cả hai người, địa phương cũng không có quy định về phong tục, tập quán khi ly hôn thì nhà gái phải trả lại tiền sính lễ, tiền thách cưới cho nhà trai. Do đó, việc đòi lại tiền thách cưới, tiền sính lễ khi ly hôn là không có căn cứ chấp nhận.

 

Phương Uyên
2761

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]