15/12/2020 15:56

Tổng hợp bản án Tòa vận dụng phong tục, tập quán, đạo lý để giải quyết

Tổng hợp bản án Tòa vận dụng phong tục, tập quán, đạo lý để giải quyết

Trong thực tiễn xét xử của tòa án, các phong tục, tập quán, đạo lý vẫn thường được Tòa vận dụng trong một số trường hợp. Vậy khi nào thì phong tục, tập quán, đạo lý được vận dụng trong xét xử và với những lập luận ra sao?

Sau đây là Tổng hợp các bản án Tòa vận dụng phong tục, tập quán, đạo lý để giải quyết, các bạn cùng tham khảo.    

 1. Bản án 609/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Trích dẫn nội dung: "Theo tập quán của các giao dịch là hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy tay” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Khi hai bên mua và bán thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đặt cọc thì bên mua sẽ giao lại bản chính giấy nhận cọc cho bên bán sau khi bên bán đã hoàn trả tiền cọc và phạt cọc nếu có thỏa thuận. Lời khai của ông V, bà T về việc ông V và ông H đã có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông V đã trả lại 50.000.000 đồng cho ông H và nhận lại bản gốc Văn bản thỏa thuận đặt cọc ngày 14/4/2017 là phù hợp với tập quán giao dịch hiện nay. Do đó, căn cứ vào các tình tiết khách quan trong vụ án và quy định tại Điều 5, Điều 328 và Khoản 2 Điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hội đồng xét xử có cơ sở xác định sự phản đối của ông V đối với yêu cầu khởi kiện là có căn cứ."

+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận toàn bộ yêu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Bản án 11/2018/HNGĐ-PT ngày 29/05/2018 về yêu cầu không công nhận vợ chồng, tranh chấp nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

+ Trích dẫn nội dung: "Theo lời khai của bà D và 05 (năm) anh chị em anh S thì diện tích đất anh S và chị N đang sử dụng là được ông N và bà D cho sau khi anh S và chị N về chung sống với nhau, không phải cho riêng anh S và phù hợp với phong tục, tập quán địa phương về việc bố mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất khi lập gia đình. Mặc dù GCNQSDĐ đứng tên anh S nhưng anh S thừa nhận có nhờ người khác làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, tại đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ có cả tên chị N và trong quá trình giải quyết vụ án, anh S không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh diện tích đất đã được ông N và bà D tặng cho riêng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất là tài sản chung là có căn cứ và Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào thực tế nhu cầu sử dụng đất của chị N và phải nuôi dưỡng cháu T bị khuyết tật để chia chị N được sử dụng nhà, đất ở phía trước là hợp tình và phù hợp."

+ Kết quả giải quyết: Giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

3. Bản án 161/2017/DS-PT ngày 17/07/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre.

+ Trích dẫn nội dung: "

Ngôi mộ của ông Nguyễn Văn B lập năm 1963, trong quá trình sử dụng đất phía ông T1 và bà U (chủ đất cũ) không xảy ra tranh chấp. Theo tập quán của dân tộc Việt Nam ngôi mộ sẽ không chôn khi một phần ngôi mộ thuộc đất người này, một phần ngôi mộ thuộc đất người khác và theo xác nhận của bà Nguyễn Thị B1 là em ruột của ông NguyễnVăn B thì ngôi mộ được chôn cách ranh đất 0,5m là có cơ sở. Năm 1984, bà H làm hàng rào cách ngôi mộ 0,2m nhưng ông T1 không ngăn cản nên có căn cứ thể hiện hai bên đương sự đã thỏa thuận ranh giới đất của hai bên cách ngôi mộ là 0,2m. Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào vị trí ngôi mộ để giải quyết tranh chấp theo lời trình bày của bà H mà căn cứ dựa trên diện tích quản lý, sử dụng đất thực tế của các bên, lời xác nhận của bà B1 và tập quán trong quản lý sử dụng đất và chôn cất người chết để giải quyết vụ án."

+ Kết quả giải quyết: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

 

4. Bản án 183/2017/DS-PT ngày 14/12/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

+ Trích dẫn nội dung" "Hội đồng xét xử xét thấy việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi giữa ông Lê Việt L và ông Lê Thanh L1, bà Võ Thị N được các bên xác nhận dựa trên sự tự nguyện, phù hợp với tập quán của địa phương. Sau khi xuất bán heo thì phía ông L1, bà N phải có nghĩa vụ trả tiền cho ông L. Nay các bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả tiền cho nguyên đơn thì bên cạnh nghĩa vụ trả tiền, các bị đơn phải có nghĩa vụ trả lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự."

+ Kết quả giải quyết: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

5. Bản án 04/2018/DS-PT ngày 07/02/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

+ Trích dẫn nội dung: "Giấy bán nhà ông H đang giữ được lập thể hiện cả việc bán nhà, đất và điều kiện mà ông M, ông H phải thực hiện trong việc mua bán nhà, đất; có chữ ký của những người làm chứng; xác định cụ thể thời gian các bên ký kết; thực tế các bên đã thực hiện vì vậy có căn cứ xác định diện tích đất ông H đang sử dụng là xuất phát từ việc mua bán đất với ông M vào ngày 19/5/1991. Mặc dù Giấy bán nhà mà ông H đang giữ không ghi cụ thể vị trí, kích thước, diện tích đất ông H mua của ông M nhưng điều này phù hợp với tập quán mua bán đất tại địa phương ở thời điểm đó là đất bán theo mét dài bám mặt đường chứ không mua bán đất theo diện tích (bản thân ông M khi bán một phần đất của thửa 296 cho NLC9 vào năm 2001 cũng chỉ ghi bán 5,5 mét mặt chứ không ghi diện tích là bao nhiêu)"

+ Kết quả giải quyết: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

 

6. Bản án 276/2017/DS-PT ngày 21/11/2017 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Trích dẫn nội dung: "Theo phong tục tập quán làm ăn kinh doanh của người Việt Nam thì chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng là nội dung: thuận mua vừa bán; khi giao dịch mua bán nếu nhận hàng đã sử dụng các bên không khiếu nại chất lượng hàng và không có thỏa thuận khác thì phải có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng. Điều này cũng được các đương sự tham dự phiên Tòa công nhận."

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

7. Bản án 110/2019/DS-PT ngày 13/08/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

+ Trích dẫn nội dung: "Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy việc ông T có nguyện vọng được nhận thừa kế bằng hiện vật để làm nơi thờ cúng bố mẹ, ông bà theo phong tục tập quán và là nơi lưu giữ kỷ niệm của gia đình, nơi đi về tụ họp của tất cả các thành viên trong gia đình là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc. Do đó, kháng cáo của ông T đề nghị cho ông T được hưởng thừa kế bằng hiện vật và ông T có trách nhiệm thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế cho các đồng thừa kế khác là có cơ sở chấp nhận, phù hợp với truyền thống đạo lý và đảm bảo được quyền lợi của tất cả các bên đương sự."

+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Nguyễn Sáng
5377

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn