Người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng bằng cách lập di chúc.
Theo Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng thì:
- Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Theo đó, pháp luật cho phép người để lại di sản có thể định đoạt bất kỳ tài sản nào của mình sau khi chết kể cả quyền sử dụng đất để dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất này không được phép chuyển nhượng, người quản lý chỉ là người đứng ra quản lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích của di sản là dùng vào việc thờ cúng.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng.
+ Trích dẫn nội dung: "Về phần đất thứ 4 bao gồm các thửa 41, 42, tờ bản đồ số 62, thửa số 5 tờ bản đồ số 64, theo nội dung "Bản chia đất tài sản kế thừa" của hai Cụ C, cụ N thì phần đất trong đám Cốc Lùng của các cụ sẽ thuộc về người nào có công chăm sóc phụng dưỡng tuổi già và lo tang cất, hương hỏa cho các cụ, nếu các cụ không ở với ai, các con chung nhau đóng góp để lo tang thì phần đất đó chia lại. Theo yêu cầu của ông H, ông T1 yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất thứ 4, nhưng hội đồng xét xử xét thấy phần đất này theo nguyện vọng của các cụ C, cụ N được coi là di sản dùng vào việc thờ cúng vì khi còn sống các cụ C, cụ N sống chung với Ông T2, được ông T2 chăm sóc, phụng dưỡng và lo mai táng khi qua đời. Tại phiên tòa bà T, bà Đ cũng thừa nhận ông T2 có công chăm sóc phụng dưỡng cụ C, cụ N khi còn sống và lo mai táng nên Hội đồng xét xử xét thấy cần giao phần đất này cho Thượng quản lý để làm nơi chôn cất và thờ cúng các cụ."
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
+ Trích dẫn nội dung: "Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn ông Đặng Oanh T phải tháo dở ống bọng có đường kính 0.1m, dài 3.5m và yêu cầu ông T trả diện tích đất 271.1m2 để cho nguyên đơn quản lý, sử dụng vào việc thờ cúng. Xét thấy, diện tích đất mà nguyên đơn ông R yêu cầu đòi lại nêu trên thực tế ông T không quản lý mà do phía nguyên đơn ông R đang trực tiếp quản lý. Phía bị đơn ông T chỉ có đào đường mương thoát nước theo đo đạc thực tế có chiều ngang 1 mét, dài 23m và đặt ống bọng thoát nước có đường kính 0.1m, dài 3.5m trong phần diện tích đất nêu trên. Phía bị đơn ông T không đồng ý giao trả toàn bộ phần đất tranh chấp nêu trên cho ông R là người trực tiếp quản lý di sản thờ cúng."
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Trích dẫn nội dung: "Ông Vương Văn K lập di chúc ngày 07/3/1995 có chứng nhận của Ủy ban nhân dân Phường B, Quận N5, Thành phố Hồ Chí Min, có nội dung: “Để lại ½ nhà đất thuộc sở hữu của ông K làm nơi thờ cúng và giao cho ông T quản lý để thờ cúng, không được bán". Bà Hồ Thị N lập di chúc ngày 01/8/2000 tại Văn phòng công chứng H, Thành phố Hồ Chí Minh, có nội dung: “Để lại ½ căn nhà thuộc sở hữu của bà N nêu trên và phần bà N được thừa kế của ông Vương Văn K trong căn sẽ chia đều cho 09 (chín) người con chung."
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.
+ Trích dẫn nội dung: "Các đồng thừa kế thống nhất giao căn nhà cho bà Lâm Thị N hưởng để làm nơi thờ cúng ông bà, cây trái trên đất giao cho bà Lâm Thị N được hưởng; chỉ yêu cầu chia giá trị đất. NLQ2 chết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm các thừa kế của NLQ2 là Võ Thị Thanh T, Võ Hồng T, Võ Thị Thanh X, Võ Hồng Đ, Võ Thị Thanh C giao phần thừa kế của NLQ2 cho người hưởng tài sản để thờ cúng ông, bà. Bà Lâm Thị N được giao tài sản nên giao kỷ phần thừa kế của NLQ2 cho bà Lâm Thị N."
+ Kết quả giải quyết: Sửa bản án dân sự sơ thẩm.
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Trích dẫn nội dung: "Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Thái Cẩm L giữ nguyên kháng cáo, yêu cầu được vào ở căn nhà của cha mẹ với lý do ông khó khăn, phải thuê nhà để ở, còn căn nhà của cha mẹ đang bỏ trống và nếu ông không vào ở căn nhà thì cháu sẽ bán mất căn nhà của cha mẹ, là không có cơ sở chấp nhận vì căn nhà đã được cha mẹ đã tặng cho ông Thái Văn P để ở và thờ cúng tổ tiên. Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông Thái Cẩm L và giữ nguyên bản án sơ thẩm."
+ Kết quả giải quyết: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.