Quyền nuôi con là một trong những vấn đề được quan tâm khi ly hôn, tùy vào sự thỏa thuận, điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc của mỗi bên, Tòa án sẽ quyết định quyền nuôi con theo hướng có lợi nhất cho trẻ.
Theo khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường họp người mẹ không đủ điều kỉện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác phù họp với lợi ích của con.
Theo đó, nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi do người mẹ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều như vậy, nếu người chồng chứng minh được khả năng đảm bảo tốt hơn về điều kiện vật chất và tinh thần cho con, chứng minh được người vợ không đủ khả năng để đảm bảo đời sống tốt cho con hoặc cha, mẹ có thỏa thuận khác thì Tòa án sẽ xem xét quyết định việc giao cho ai nuôi dưỡng trên cơ sở lợi ích của con.
Mới đây, TAND tối cao thông qua Án lệ 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cũng có nội dung tương tự:
“[3]Về nội dung: Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hũu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T”
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
+ Trích dẫn nội dung: "Xét thấy cháu Hoàng Văn Q hiện nay đang dưới 36 tháng tuổi, tuy nhiên từ tháng 6/2019 đến nay cháu Q đang do anh Ng trực tiếp nuôi dưỡng, trong thời gian anh chị sống ly thân thì anh Ng vẫn chăm sóc tốt mọi mặt cho con. Mặt khác, trong các buổi làm việc cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, chị Th đồng ý giao con cho anh Ng nuôi dưỡng và đồng ý cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi con chung đủ 18 tuổi. Vì vậy cần giao con chung cho anh Ng trực tiếp nuôi dưỡng. Chị Th có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Về cấp dưỡng chấp nhận chị Th tự nguyện cấp dưỡng mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi con chung đủ 18 tuổi là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với lợi ích của con."
+ Kết quả giải quyết: Chấp nhận tòan bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.
+ Trích dẫn nội dung: "Xét thấy, anh D là người đã trực tiếp nuôi con từ ngày 08/10/2017 cho đến nay con anh chị đã được 25 tháng 3 ngày tuổi. Hiện tại, anh D đang gửi con học tại lớp S, Trường Mầm Non T tại Phường X, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2017 đến nay đã ổn định tâm lý và đang phát triển bình thường, có xác nhận của trường Mầm Non T Về điều kiện để nuôi con, anh D làm việc trong giờ hành chính với mức lương mỗi tháng 33.560.000 đồng, có xác nhận của Công ty vào ngày 19/4/2018, nên anh D có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."
+ Kết quả giải quyết: Sửa một phần bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
+ Trích dẫn nội dung: "Việc chị T yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng Nguyễn Lê Phương N, sinh ngày 09/09/2016 là có căn cứ theo khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình, bởi vì cháu N dưới 36 tháng tuổi, nhưng do chị T đã tự nguyện giao con cho anh P nuôi dưỡng vào ngày 14/03/2017 khi cháu N mới 06 tháng tuổi, anh P vẫn chăm sóc tốt cháu N cho đến nay. Mặt khác, hiện nay chị T đang trông trẻ con thuê cho chị ruột, chưa có nơi ở ổn định nên không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc con. Như vậy, cần giao cháu Nguyễn Lê Phương N cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng là có căn cứ theo Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình."
+ Kết quả giải quyết: Anh Nguyễn Văn P được tiếp tục nuôi dưỡng con chung Nguyễn Lê Phương N, sinh ngày 09/09/2016.
+ Cấp xét xử: Phúc thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau.
+ Trích dẫn nội dung: "Tại phiên tòa phúc thẩm, chị C cũng như lời trình bày của Luật sư đều xác định đến thời điểm xét xử sơ thẩm thì cháu A chưa đủ 36 tháng tuổi, cháu A lại là nữ rất cần chị C nuôi dưỡng, chăm sóc. Xét kháng cáo của chị C, Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi”, như vậy tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 20/4/2017) thì cháu A chưa đủ 36 tháng tuổi, tuy nhiên tại phiên tòa, chị C và anh T đều thừa nhận từ khi sinh ra, cháu A sinh sống tại gia đình anh T, đồng thời khi chị C và anh T ly thân thì cháu A vẫn sinh sống tại gia đình anh T cho đến nay."
+ Kết quả giải quyết: Giữ nguyên bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
+ Trích dẫn nội dung: "Hội đồng xét xử xét thấy tính đến ngày xét xử sơ thẩm con của anh chị dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, cháu Hồ Thảo V hiện tại đang sống chung với anh Ng đã ổn định về đời sống và tâm lý. Mặt khác, chị O và anh Ng cũng thống nhất giao con là Hồ Thảo V cho anh Ng tiếp tục nuôi, chị O không cấp dưỡng nuôi con."
+ Kết quả giải quyết: Giao con là Hồ Thảo V sinh ngày 18 tháng 3 năm 2018 cho anh Hồ Thái Ng tiếp tục nuôi.
+ Cấp xét xử: Sơ thẩm.
+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
+ Trích dẫn nội dung: "Mặc dù cháu Đặng Ngọc A đến thời điểm Tòa án giải quyết thì chưa đủ 36 tháng tuổi, nhưng như đã phân tích ở trên thì việc giao cháu Ngọc A cho chị G trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng sẽ không đảm bảo cho sự phát triển bình thường của cháu Ngọc A, cụ thể cháu sẽ không có nơi ở ổn định, chị G cũng không có thu nhập để nuôi cả 04 con,... Trong khi từ lúc sinh ra cho đến nay, cháu Ngọc A đã ở với anh L, bản thân anh L đi làm có thu nhập khoảng 7.000.000 đồng/tháng, có mẹ là bà H hỗ trợ thêm trong việc chăm sóc cháu Ngọc A, đến thời điểm hiện tại thì cháu Ngọc A vẫn phát triển tốt nên việc thay đổi người nuôi con sẽ ảnh hưởng đến điều kiện nuôi dưỡng cũng như làm xáo trộn về mặt tâm sinh lý của cháu. Do đó cần tiếp tục giao cháu Đặng Ngọc A cho anh L trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng là phù hợp với Điều 81, 82 Luật Hôn nhân và gia đình."
+ Kết quả giải quyết: Giao con chung tên Đặng Ngọc A, sinh ngày 01/5/2016 cho anh Đặng Hoàng L trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.