23/12/2020 14:32

Tổng hợp 07 bản án về di chúc không có hiệu lực

Tổng hợp 07 bản án về di chúc không có hiệu lực

Di chúc không có hiệu lực vì nhiều lí do như người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Dưới đây là tổng hợp một số bản án có di chúc bị tòa án tuyên không có hiệu lực một phần hoặc toàn phần, cụ thể như sau:

1. Bản án 296/2017/DS-PT ngày 12/10/2017 về yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia thừa kế theo pháp luật

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

- Trích dẫn nội dung: Trong di chúc, cụ Qu đã định đoạt toàn bộ tài sản nhà, đất cho bà Bình. Tuy nhiên, đối với quyền sử dụng diện tích đất 197,2m2 là của cả cụ Đ và cụ Qu, nên cụ Qu chỉ có quyền định đoạt với ½ diện tích đất và ngôi nhà tình nghĩa mà địa phương xây tặng. Bởi vậy, Bản án sơ thẩm chỉ công nhận phần di chúc đối với tài sản (nhà cấp IV và quyền sử dụng 98,6m2 đất) của cụ Qu có hiệu lực và xác định phần di chúc định đoạt di sản của cụ Đ không có hiệu lực là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 667 Bộ luật Dân sự năm 2005.

- Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đỗ Thị L tuyên bố di chúc của cụ Lê Thị Qu lập ngày 28/4/2011 không hợp pháp đối với phần di sản của cụ Đỗ Văn Đặc là quyền sử dụng 98,6m2 đất tại Thửa đất hiện nay mang số 384, Tờ bản đồ số 39, tại Thôn BC, thị trấn TT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Bản án 11/2016/DSPT ngày 22/06/2016 về yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị

- Trích dẫn nội dung: Theo Điều 108, Điều 733, Điều 734, Điều 735 Bộ luật Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 179 Luật đất đai quy định thì Hộ gia đình bà Trần Thị B gồm bà B, bà H, ông T, cháu L, cháu T, cháu T, bà L là những người có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống đều có quyền sử dụng diện tích 1.084m2 tại khu phố T, phường Đ, thành phố Đ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 540637 do UBND Thành phố Đ cấp ngày 23/02/2004. Việc bà Trần Thị B lập di chúc ngày 23/02/2004 cho ông Lê Quang T, bà Trần Thị L diện tích 1.084m2  là không đúng pháp luật. Vì vậy, bản di chúc của bà Trần Thị B lập ngày 21/10/2010 không có hiệu lực phần nội dung.

- Kết quả giải quyết: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Lê Quang T và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

3. Bản án 303/2018/DS-PT ngày 10/11/2018 về tranh quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre

- Trích dẫn nội dung: Phải xác định được phần tài sản của bà Đ, ông M là bao nhiêu trong khối di sản của bà M để lại? Từ đó mới có căn cứ xác định di sản của bà M để lại là bao nhiêu thì mới giải quyết được toàn diện vụ án. Án sơ thẩm chỉ xem xét hủy di chúc mà không xác định phần còn lại (nay là di sản) của bà M là bao nhiêu và việc tạm giao di sản phải tạm giao cho ông N (vì không ai tranh chấp di chúc). Ngoài ra, cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét việc ông N chuyển nhượng thửa đất 728 cho ông T2, bà Đ1; việc ông B đã chuộc lại thửa đất này quản lý, sử dụng đến nay; cũng như chia 2.000m2 đất (một phần thửa 729) cho bà S là chưa giải quyết toàn diện vụ án. Như phân tích nêu trên thì cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, hủy án sơ thẩm giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

- Kết quả giải quyết: Hủy Bản án dân sự sơ thẩm 41/2018/DS-ST ngày 12/06/2018 của Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.

4. Bản án 34/2017/ST-DS ngày 13/11/2017 về tranh chấp yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, chia di sản thừa kế, hợp đồng tặng cho tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

- Trích dẫn nội dung: Bà L và ông C là vợ chồng hợp pháp. Ông C sống chung như vợ chồng với bà M (có tạo lập tài sản chung) và bà Ph (có con chung). Do bà M và ông C không phải là vợ chồng nên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung hợp nhất, cả 2 có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với việc sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung.Tuy nhiên, trong di chúc ông C lập ngày 07/10/2015 thể hiện nội dung định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của bà M và ông C là vi phạm quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005. Mặt khác, trong mảnh đất có diện tích 22.556 m2 tọa lạc tại ấp 6 xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì ông Th, bà Hoàng T M, ông H, bà B là người trực tiếp sử dụng đất, tạo dựng tài sản trên đất song nội dung di chúc giao toàn bộ mảnh đất này cho chị Y L  mà không đề cập xử lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất là xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của những người này.

- Kết quả giải quyết: Tuyên bố di chúc của ông Nguyễn Đình C lập ngày 07/10/2005 là không hợp pháp, không có hiệu lực trừ phần 4 của di chúc.

5. Bản án 180/2018/DS-PT ngày 13/08/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp

- Trích dẫn nội dung: Cụ Đ lập di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, định đoạt toàn bộ tài sản chung của cụ B1 và cụ Đ là không đúng quy định của pháp luật, nên phần tài sản cụ Đ định đoạt vượt quá quyền tài sản của mình sẽ không có giá trị pháp lý. Phần tài sản cụ Đ định đoạt vượt quá quyền tài sản của mình, do anh T1 và ông C nhận và đang quản lý thửa 11, diện tích 282,1m2 ; Thửa 418, diện tích 277,6m2; Thửa 367, diện tích 1.437,5m2 và ông C thửa 7, diện tích 799,5m2 (ông C đã chuyển nhượng cho bà T2), nên anh T1 và ông C có trách nhiệm trả lại giá trị suất thừa kế phần tài sản của cụ B1 cho bà L1. 

- Kết quả giải quyết: Chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn là bà Trần Thị L1 và anh Đỗ Văn T1. 

6. Bản án 110/2019/DS-PT ngày 12/04/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

- Trích dẫn nội dung: Tại thời điểm cụ L lập di chúc để lại tài sản cho bà N1 thì phần đất đang có tranh chấp với gia đình ông R, hơn nữa cụ L cũng không phải là người trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp. Do đó, cụ L chưa có đủ điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất, cụ thể là quyền lập di chúc để lại quyền sử dụng đất cho bà N1 theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai năm 2003. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ L hợp pháp là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

- Kết quả giải quyết: Tuyên bố di chúc của cụ Nguyễn Thị L lập không hợp pháp.

7. Bản án 15/2019/DS-PT ngày 26/02/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản, bồi thường thiệt hại

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang

- Trích dẫn nội dung: Thứ nhất, tài sản chung ông H, bà D đang tranh chấp, chưa được Tòa án giải quyết, nên không có giá trị. Hơn nữa, ông Tr không thừa nhận chữ ký của bà D, ông Nh không yêu cầu giám định, nên di chúc do bà D để lại không có giá trị thực hiện.

Tương tự như vậy, hai tờ di chúc của ông H để lại, một tờ di chúc đánh máy ngày 05/3/2006, một tờ viết tay đề ngày 04/8/2013. Thời điểm này bà D đã chết, do vậy phần tài sản của bà D đã trở thành di sản thừa kế, một mình ông H không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản của vợ chồng được. Do vậy, hai bản di chúc của ông H cũng không có giá trị thực hiện.

- Kết quả giải quyết: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Võ Văn Tr và bị đơn ông Võ Văn Nh. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Như Ý
5928

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]