16/04/2021 14:36

Tổng hợp 07 bản án liên quan đến hoạt động đa cấp

Tổng hợp 07 bản án liên quan đến hoạt động đa cấp

Hoạt động kinh doanh đa cấp đang ngày càng lan rộng, nhiều người tham gia. Quy định pháp luật ngày càng hoàn thiện nhằm tránh việc lách luật từ các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp; tuy nhiên vẫn và tồn tại nhiều bất cập từ việc kinh doanh đa cấp “biến tướng”.

Dưới đây là tổng hợp các bản án liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp:

1. Bản án 48/2019/DS-ST ngày 29/08/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác bán hàng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 29/5/2015, Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam và ông Bùi Quang Lâm đã ký Hợp đồng hợp tác bán hàng số 0093960/HĐ-LMTD, thời gian là 01 năm và có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm hai bên ký kết. Căn cứ hợp đồng trên, ông Lâm có nộp tiền mua hàng của Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam nhưng đến nay chưa được giao đủ số hàng đã mua. Ông Lâm đã đòi nhiều lần nhưng Công ty chưa trả. Các bên không tự giải quyết được tranh chấp nên ông Lâm khởi kiện ra Tòa án. Quan hệ tranh chấp giữa ông Lâm với Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam là quan hệ dân sự giữa cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh với pháp nhân có giấy phép đăng ký kinh doanh về bán hàng đa cấp. Đây là “Tranh chấp về hợp đồng dân sự (cụ thể là tranh chấp hợp đồng hợp tác bán hàng”. Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang thụ lý giải quyết yêu cầu của ông Lâm là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.”

2. Bản án 164/2017/KDTM-ST ngày 14/11/2017 về tranh chấp hợp đồng đại lý và hợp đồng vay tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh

- Trích dẫn nội dung: “Hội đồng xét xử nhận thấy, từ tháng 4/2016 đến tháng 6/2016 bị đơn đã thu tiền bán hàng của nguyên đơn nhiều lần với tổng số tiền 14.072.400.000đ (Mười bốn tỷ không trăm bảy mươi hai triệu bốn trăm ngàn đồng) nhưng vẫn không ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với nguyên đơn theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 42/NĐ-CP “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp”, đến ngày 01/11/2016 bị đơn bị thu hồi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nên không thể tiếp tục ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với nguyên đơn, đây là lỗi của bị đơn. Do đó, nguyên đơn yêu cầu vô hiệu đối với thỏa thuận hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp về việc nâng lên cấp bậc Ruby và buộc bị đơn phải hoàn trả lại số tiền đã nhận là có cơ sở, Hội đồng xét xử chấp nhận.”

3. Bản án 51/2018/HS-ST ngày 16/08/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh

- Trích dẫn nội dung: “T còn đưa ra chính sách hưởng hoa hồng khác như: hoa hồng gắn kết, phát triển chân thứ 3, tất cả các Cộng tác viên đều được hưởng 1% doanh thu hàng ngày của Công ty cho đến khi hoàn vốn 6.990.000đ/mã sản phẩm, hưởng hoa hồng mã rơi đến 20 tầng đối với các gói tham gia 21 mã, 70 mã, 130 mã sẽ được hưởng 2% doanh số toàn Công ty Vi. Theo thống kê từ hệ thống wepsite của Công ty Vi thì T đã ra chính sách trả thưởng hoa hồng cao lên tới 56,43% doanh thu của Công ty Vi (trong khi nếu Công ty Vi được phép hoạt động kinh doanh đa cấp thì Nhà nước quy định Hoa hồng được chi tối đa là 40%).”

4. Bản án 52/2018/DS-ST ngày 13/11/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 03/10/2014, anh Nguyễn Mạnh L có ký Hợp đồng hợp tác bán hàng số 0075553/HĐ-LMTD với Công ty, thực chất là bán hàng đa cấp, chỉ khác về tên gọi, Hợp đồng có thời hạn một năm. Sau khi ký kết hợp đồng anh Nguyễn Mạnh L đã đóng tiền nhiều lần vào Công ty, mỗi lần đóng tiền nhân viên Công ty lại viết Phiếu thu tiền và phiếu đặt hàng, mỗi lần anh Nguyễn Mạnh L lấy hàng ra thì Công ty lại thu lại số phiếu tương ứng. Qua đó, anh Nguyễn Mạnh L đã lấy một lượng hàng hoá nhất định. Ngày 03/10/2015, Hợp đồng hợp tác bán hàng chấm dứt, tính đến thời điểm này anh Nguyễn Mạnh L đã đóng tiền theo hoá đơn và phiếu đặt hàng mà anh chưa lấy hàng hoá ra, vẫn còn lưu gửi Công ty (tương ứng với phiếu thu và phiếu đặt hàng) mà anh đã nộp theo đơn khởi kiện, tổng số tiền là: 1.260.488.000 đồng. Công ty cấp cho anh Nguyễn Mạnh L 01 thẻ Card và 01 thẻ nhân viên mang tên anh Nguyễn Mạnh L No HAD004007.”

5. Bản án 66/2018/DS-ST ngày 14/12/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh B

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 03/10/2014, Công ty cổ phần L và anh Nguyễn Thành L đã ký Hợp đồng Hợp tác bán hàng số 0075552/HĐ-LMTD. Anh Nguyễn Thành L là cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quan hệ giữa anh L với Công ty là quan hệ dân sự giữa cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh với pháp nhân có giấy phép đăng ký kinh doanh về bán hàng đa cấp. Khi có tranh chấp, các bên không tự giải quyết được, anh Nguyễn Thành L làm đơn khởi kiện đến tòa án yêu cầu giải quyết. Căn cứ Điều 388 của Bộ luật Dân sự 2005; khoản 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, xác định quan hệ pháp luật là Tranh chấp về Hợp đồng dân sự.”

6. Bản án 15/2019/DS-ST ngày 25/04/2019 về tranh chấp hợp đồng hợp tác bán hàng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: “Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty đã cho ông tham gia khóa đào tạo về bán hàng đa cấp, ngày 31/7/2015 ông được công ty cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp, kết thúc khóa đào tạo ông được Công ty cấp chứng chỉ đào tạo bán hàng đa cấp vào ngày 08/8/2015. Do Công ty giải thích cho ông về việc tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty chỉ là một hình thức đầu tư, người tham gia sẽ đóng tiền vào đó để được hưởng hoa hồng (%) tương ứng với số tiền đã đóng, việc đóng tiền thông qua hình thức mua hàng của Công ty, do vậy ông không có nhu cầu lấy sản phẩm, việc đặt tiền lấy hàng của ông mục đích chỉ để lấy tiền hoa hồng như công ty đã hứa hẹn. Mỗi lần ông nộp tiền, Công ty không lập phiếu thu tiền mà lập phiếu đặt hàng, trên phiếu ghi số lượng hàng, số tiền công ty thu và giao cho ông giữ phiếu này, nếu ông lấy hàng Công ty sẽ thu lại phiếu đặt hàng tương ứng với số hàng ông lấy. Nếu ông không lấy hàng thì ông giữ phiếu đặt hàng của Công ty.”

7. Bản án 29/2019/DS-ST ngày 09/07/2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự hợp tác bán hàng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 21/01/2016 Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam và ông Lê Đình Thành đã ký Hợp đồng Hợp tác bán hàng số 0017628/HĐ-LMTD. Thời gian là 01 năm và có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm hai bên ký kết. Quan hệ tranh chấp giữa ông Thành với Công ty là quan hệ dân sự giữa cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh với pháp nhân có giấy phép đăng ký kinh doanh về bán hàng đa cấp. Khi có tranh chấp, các bên không tự giải quyết được, ông Thành làm đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết, đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự.”

Như Ý
2784

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]