09/11/2021 15:06

Tổng hợp 04 bản án Tòa án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết

Tổng hợp 04 bản án Tòa án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó. Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.

Dưới đây là 04 bản án Tòa án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết, các bạn cùng tham khảo:

1. Bản án 30/2018/DS-ST ngày 13/08/2018 về tranh chấp ranh đất

- Cấp xét xử: Sơ thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

- Tóm tắt nội dung: Nguồn gốc đất tranh chấp là của bà Đoàn Thị Â, bà Nguyễn Thị T cho rằng bà Â đã cho bà phần đất này từ năm 1997, gia đình T bà đã bồi đắp cải tạo đất để sử dụng, nhưng con bà Â là ông Đinh Hoàng M xây hàng rào là không đúng. Bà Â thì cho rằng phần đất của bà quản lý sử dụng từ trước đến nay, phần đất tranh chấp không nằm trong phần bà đã cho bà T. Nay bà T khởi kiện yêu cầu bà Â phải trả cho bà phần đất tranh chấp theo đo vẽ thực tế và di dời toàn bộ tài sản trên đất.

- Trích dẫn nhận định của Tòa: Nguyên đơn và bị đơn đều không có chứng cứ pháp lý vững chắc cho yêu cầu của mình. Nhưng xét ở gốc độ đạo lý và lẽ công bằng thấy rằng, việc bà T thừa nhận trong lúc khó khăn không có đất làm nhà ở thì gia đình bà Â đã cho bà một phần đất để cất nhà. Nay chỉ vì phần đất tranh chấp có 35m2, bà T lại đi đòi bà Â trả lại. Lẽ ra bà T phải biết ơn người đã giúp đỡ bà trong lúc khó khăn, nhưng trái lại bà lại khởi kiện để yêu cầu bà Â trả lại đất cho bà. Hội đồng xét xử thấy rằng yêu cầu của bà T là không phù hợp với lẽ phải, không đúng với đạo lý ở đời. Chính vì vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bà T và công nhận phần đất cho bà Â.

2. Bản án 149/2020/DS-PT ngày 06/07/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

- Tóm tắt nội dung: Nguyên đơn Chùa P khởi kiện cho rằng quyền sử dụng đất đang tranh chấp là đất của Chùa cho bị đơn sử dụng trồng hoa màu, có đóng góp hương hỏa cho Chùa, nay bị đơn chiếm luôn không trả nên Chùa yêu cầu bị đơn trả lại đất để Chùa sử dụng vào mục đích tôn giáo. Bị đơn bà T cho rằng đất có nguồn gốc do dân làng hiến cho Chùa P, sau đó gia đình bà được UBND xã cấp đất sử dụng và đóng hoa lợi cho Chùa, bà T đã sử dụng ổn định trên 30 năm không có ai tranh chấp nên yêu cầu công nhận đất cho bà T.

- Trích dẫn nhận định của Tòa: Bà T đã quản lý, sử dụng đất liên tục, lâu dài từ năm 1983 đến nay đã trên 30 năm và nộp hoa lợi cho Chùa đến năm 2017, khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án mới không nộp hoa lợi cho Chùa. Theo lẽ công bằng, cần tính một phần công sức cho bà T với tỷ lệ 5% giá trị quyền sử dụng đất để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên nên cần buộc Chùa P có trách nhiệm thanh toán cho bà T một phần công sức nêu trên.

3. Bản án 13/2018/DS-PT ngày 11/07/2018 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

- Tóm tắt nội dung: Ông T và bà M chung sống với nhau từ năm 1982 đến năm 2008 nhưng không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trước đó ông T và bà Trần Thị Liên có kết hôn, sống với nhau tại đội 13 xã X, huyện C. Ông T cho rằng thửa đất tranh chấp số 60 là tài sản chung của ông T, bà M. Nay ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án Công nhận thửa đất số 60 thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của ông và bà Nguyễn Thị M (Cháu).

- Trích dẫn nhận định của Tòa: Quan hệ giữa ông T và bà M là không phải là hôn nhân hợp pháp. Thửa đất nói trên là tài sản riêng của bà M. Để đảm bảo lẽ công bằng, do ông T cùng bà M duy trì, tôn tạo, bảo quản thửa đất nên cần tính công sức của ông Trân Văn T bằng tiền tương đương 20m2.

4. Bản án 151/2019/DS-PT ngày 25/11/2019 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm.

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

- Tóm tắt nội dung: Hộ ông N được UBND huyện A cấp 01 nền đất tái định cư có diện tích 87,7m2. Khi việc cấp GCNQSD đất chưa được thực hiện xong thì vào ngày 02/01/2018, ông N, bà N1 đã có thỏa thuận chuyển nhượng cho ông M nền đất tái định cư. Hai bên đã lập “Giấy biên nhận ngày 02/01/2018” (BL số 15) có nội dung ông N, bà N1 chuyển nhượng nền đất tái định cư cho ông M với giá 400.000.000 đồng, ông M đồng ý đặt cọc số tiền 380.000.000 đồng thỏa thuận khi nào thực hiện xong thủ tục sang tên sẽ giao số tiền 20.000.000 đồng còn lại. Ông M có nộp số tiền 324.490.000 đồng cho Công ty P thông qua tài khoản giao dịch tại Ngân hàng và yêu cầu ông N, bà N1 thực hiện các thủ tục sang tên nhưng ông N, bà N1 không đồng ý thực hiện, từ đó hai bên phát sinh tranh chấp. 

- Trích dẫn nhận định của Tòa: Tuy pháp luật chưa có quy định nhưng theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 bên nhận đặt cọc có lỗi phải bị phạt cọc, bên đặt cọc có lỗi phải bị mất cọc và mức độ lỗi của hai bên là ngang nhau (mỗi bên 50%) thì trong trường hợp này chỉ cần buộc bên nhận đặt cọc là ông N, bà N1 phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên đặt cọc là ông M số tiền đặt cọc 380.000.000 đồng là phù hợp với lẽ công bằng quy định tại khoản 3 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tham khảo thêm:

1. Bản án 104/2020/DS-PT ngày 31/07/2020 về yêu cầu chấm dứt hành vi neo đậu, thả chà, khai thác hải sản và tranh chấp quyền sở hữu chà.

2. Bản án 115/2021/DS-PT ngày 24/03/2021 về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất.

3. Bản án 33/2018/DS-PT ngày 08/02/2018 về tranh chấp đòi lại tài sản.

4. Bản án 02/2021/DS-ST ngày 14/04/2021 về tranh chấp đòi lại tài sản là nhà, đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thu Linh
7160

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]