27/08/2024 17:30

Tổng cục Chính trị có chức năng gì trong Quân đội nhân dân Việt Nam?

Tổng cục Chính trị có chức năng gì trong Quân đội nhân dân Việt Nam?

Chức năng của Tổng cục Chính trị trong Quân đội là gì? Cơ quan chính trị trong Quân đội được tổ chức thành bao nhiêu cấp?

1. Tổng cục Chính trị có chức năng gì trong Quân đội nhân dân Việt Nam?

Theo quy định tại tiết 1 tiểu mục A Mục II Quy định 51-QĐ/TW 2021 về chức năng Tổng cục Chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

Tổng cục Chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương.

- Căn cứ nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương, Tổng cục Chính trị nghiên cứu, đề xuất để Quân ủy Trung ương quyết định chủ trương, biện pháp về công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Dân quân tự vệ và Ban Cơ yếu Chính phủ.

- Căn cứ nghị quyết của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị xác định kế hoạch tiến hành công tác đảng, công tác chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp trong Quân đội, Dân quân tự vệ và Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 26 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề ra vai trò của Tổng cục Chính trị như sau:

Điều 26.

3. Tổng cục Chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp, thường xuyên của Quân uỷ Trung ương. Ở mỗi cấp có cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan chính trị cấp trên.

Như vậy, Tổng cục Chính trị đóng vai trò quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đảm nhiệm công tác đảng và công tác chính trị trong toàn quân. Hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và và trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương. Tổng cục Chính trị có chức năng nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp về công tác đảng, chính trị trong Quân đội, Dân quân tự vệ và Ban Cơ yếu Chính phủ. 

Ngoài ra, cơ quan này còn xác định kế hoạch tiến hành công tác đảng, công tác chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp trong Quân đội, Dân quân tự vệ và Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện.

2. Cơ quan chính trị trong Quân đội được tổ chức thành bao nhiêu cấp?

Theo quy định tại tiểu mục 1 Mục I Quy định 51-QĐ/TW 2021 thì cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức ở 4 cấp, cụ thể:

- Toàn quân có Tổng cục Chính trị.

- Cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và đơn vị tương đương có cục chính trị.

- Cấp sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển, lữ đoàn và đơn vị tương đương có phòng chính trị.

- Cấp trung đoàn và đơn vị tương đương có ban chính trị.

Thủ trưởng cơ quan chính trị là chủ nhiệm chính trị.

- Những đơn vị, cơ quan không đủ điều kiện tổ chức ban chính trị thì bố trí trợ lý chính trị.

- Ở các doanh nghiệp trong Quân đội, căn cứ vào quy mô tổ chức, lực lượng và tính chất, nhiệm vụ để tổ chức cơ quan chính trị phù hợp, tương ứng như tổ chức các cơ quan chức năng trong doanh nghiệp.

- Tổ chức cơ quan chính trị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

Bên cạnh đó, cán bộ chủ trì về chính trị ở các cấp được quy định tại tiểu mục 2 Mục I Quy định 51-QĐ/TW 2021 như sau:

- Từ cấp đại đội và tương đương đến cấp tiểu đoàn và tương đương có chính trị viên. Từ cấp trung đoàn và tương đương đến cấp quân khu và tương đương có chính ủy. Chính ủy, chính trị viên là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức tiến hành các nội dung công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị.

- Ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi không bố trí chính ủy, chính trị viên thì bí thư cấp ủy cùng cấp là người đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị.

- Ở ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, bí thư đảng ủy (chi bộ) trực tiếp làm chính trị viên; ở ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức và ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, bí thư hoặc phó bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc cấp ủy đảng cùng cấp làm chính trị viên, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân tự vệ và trong các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, đơn vị mình. Bí thư đoàn xã, phường, thị trấn làm chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự.

Như vậy, cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức ở 4 cấp, bao gồm:

- Toàn quân có Tổng cục Chính trị.

- Cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và đơn vị tương đương có cục chính trị.

- Cấp sư đoàn, vùng hải quân, vùng cảnh sát biển, lữ đoàn và đơn vị tương đương có phòng chính trị.

- Cấp trung đoàn và đơn vị tương đương có ban chính trị.

Nguyễn Ngọc Trầm
1010

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]