Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 định nghĩa rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống rửa tiền 2022 quy định tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.
Như vậy, rửa tiền là hành vi nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản thu được từ các hoạt động phạm tội.
Theo Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định mức xử phạt đối với cá nhân phạm tội rửa tiền như sau:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
+ Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
+ Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
+ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Người chuẩn bị phạm tội rửa tiền, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung: “Từ 5/2020 - 5/2021, Nguyễn Quốc H sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 39 bị hại với số tiền 2,2 tỷ đồng. H thủ đoạn giả mạo là đại diện các kho hàng, rao bán hàng giá rẻ để lừa người mua chuyển tiền rồi chiếm đoạt. H sử dụng tài khoản ngân hàng của bản thân, vợ và Lê Phước H1 để nhận tiền lừa đảo. Từ 3/2021-5/2021, H1 biết tiền do H lừa đảo mà có nhưng vẫn cho H sử dụng tài khoản để nhận tiền của 4 bị hại, với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Hành vi của H và H1 đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội rửa tiền.”
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “Từ tháng 2/2020 đến 4/2020, chị H và anh H2 bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,9 tỷ đồng thông qua chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng nước ngoài thực hiện. Các bị cáo người Nigeria đã mua bán, sử dụng các tài khoản ngân hàng để nhận và rút tiền do người khác phạm tội chuyển vào, với tổng số tiền 470 triệu đồng. Bị cáo Phạm Ngọc D đã mua bán tài khoản ngân hàng và tham gia rút tiền từ các tài khoản nhận được hơn 3,1 tỷ đồng do người khác phạm tội chuyển vào. TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên các bị cáo trên phạm tội "Rửa tiền".
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
- Trích dẫn nội dung: “Lê Minh T là giám đốc Công ty S, chuyên cho thuê xe tự lái. Năm 2018, Chang Chao C quen biết Kuo Tai M ở Campuchia, được yêu cầu sang Việt Nam mua tài khoản (tk) ngân hàng để nhóm của M nhận tiền từ đánh bạc rồi rút tiền mặt chia hoa hồng. Tháng 6/2019, C quen biết T, người có khả năng mua tài khoản ngân hàng giá 3 - 3,5 triệu đồng/tk. T cung cấp tk ngân hàng cho nhóm của M, khi có tiền vào tk sẽ báo C để rút tiền, trừ 8% hoa hồng. Tháng 7/2019, C bị lừa rút hết tiền tiết kiệm của mình ra, chuyển vào tài khoản khác và bị chiếm đoạt. Tòa án xử phạt bị cáo C 13 năm tù về tội rửa tiền.”
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng
- Trích dẫn nội dung: “Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Lê Minh H đã hack các tài khoản Facebook để giả mạo người thân chủ tk, nhắn tin mượn tiền rồi chiếm đoạt. H đã cung cấp tk ngân hàng của Bùi Văn Trọng cho các tài khoản Facebook ảo để rửa số tiền chiếm đoạt được. H đã chiếm đoạt 390 triệu đồng của bà Vương Thúy T4 và thừa nhận hành vi phạm tội. Về tội rửa tiền: Cơ quan điều tra đã trích xuất dữ liệu về việc chuyển tiền 390 triệu đồng vào tài khoản cuối cùng. Đỗ Tư Tr nhận tin nhắn từ Facebook về việc rửa tiền và chia lợi nhuận, sau đó chuyển thông tin cho Hoàng Như L. L mua bán tiền ảo rồi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân và trực tiếp đưa tiền mặt cho Đoàn Quang Đ3 để chuyển lại cho Tr. Tr sau đó chuyển tiền cho người lái taxi theo hướng dẫn của tin nhắn Facebook. Tòa án tuyên bố bị cáo Lê Minh H phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các bị cáo Đỗ Tư Tr, Hoàng Như L, Đoàn Quang Đ3 phạm tội: “Rửa tiền” (bị cáo Lê Minh H 02 năm tù, bị cáo Đỗ Tư Tr 01 năm 03 tháng tù, bị cáo Hoàng Như L 01 năm 03 tháng tù, bị cáo Đoàn Quang Đ3 01 năm tù).”