18/02/2023 16:20

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ bị xử phạt thế nào?

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ bị xử phạt thế nào?

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Vậy hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật hình sự? “Trúc Quỳnh-Quảng Bình”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc như sau:

>> Xem thêm:

Dấu hiệu nhận biết tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan

Tham ô tài sản bị xử lý hình sự thế nào?

Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định Bộ luật Hình sự

Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

1. Dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn. 

Theo Khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. 

Nếu người gây thiệt hại cho xã hội không có dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn thì hành vi gây thiệt hại có thể cấu thành một tội phạm khác. 

Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. 

Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình, cho người khác hoặc cho một nhóm người nào đó. Động cơ cá nhân khác có thể là củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất… 

Khách thể của tội phạm

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. 

Theo đó, làm trái công vụ là không làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ nhiệm vụ được giao.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Hậu quả của tội phạm rất đa dạng, chúng có thể là những thiệt hại mang tính vật chất như tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại phi vật chất như uy tín, danh dự, nhân phẩm con người… Khi có hậu quả xảy ra thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ bị coi là tội phạm.

Thủ đoạn phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm. 

Khung hình phạt

+ Khung cơ bản: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

+ Khung tăng nặng:

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 356)

Phạt tù từ 10 đến 15 năm (khoản 3 Điều 356)

+ Hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Một số bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 14/2022/HS-ST

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 28/2022/HS-PT

Bản án về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 158/2022/HS-PT

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 33/2022/HS-ST

Bản án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ số 100/2020/HS-PT

Bản án 283/2021/HS-PT ngày 16/04/2021 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ

Bùi Thị Như Ý
151428

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]