13/11/2023 15:49

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ bị xử phạt thế nào?

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ bị xử phạt thế nào?

Cho em hỏi, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ bị xử lý như thế nào theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Khánh Thi – TP. HCM

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là gì? Cơ sở pháp lý

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ sinh con ra, do trạng thái tinh thần không bình thường, tư tưởng lạc hậu…. mà giết chết, hoặc vứt bỏ dẫn đến chết con mình đẻ ra. 

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Bên cạnh đó, hành vi vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết thì có thể bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:

Điều 21. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em. 

2. Yếu tố cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

- Mặt khách thể:

+ Tội phạm giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ xâm phạm trực tiếp đến quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của trẻ em.

+ Đối tượng tác động của tội phạm này là con mới đẻ, đứa trẻ phải còn sống và mới sinh trong vòng 07 ngày tuổi kể từ khi đứa trẻ được sinh ra đến khi bị xâm hại.

- Chủ thể:

Tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định rõ: chủ thể của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ đó chính người mẹ của đứa trẻ mới sinh trong vòng 07 ngày tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt khách quan:

+ Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu,…

+ Hành vi: Mặt khách quan của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được thể hiện qua việc người mẹ thực hiện hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ:

++ Người mẹ thực hiện hành vi giết (đâm, chém, bóp cổ, đầu độc, …) con mới đẻ hoặc hành vi vứt (bỏ rơi, để tại một nơi nào đó,…) con mới đẻ.

++ Hành vi giết con mới đẻ là hành vi giết người, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt do có các điều kiện đặc biệt như: đứa trẻ sinh ra có khuyết tật, dị dạng…

++ Hành vi vứt con mới đẻ là hành vi bỏ đứa trẻ ở bất kỳ địa điểm nào, xong có cùng hậu quả với hành vi giết con mới đẻ là dẫn đến đứa trẻ bị chết.

+ Hậu quả: Hậu quả đứa trẻ bị chết là hậu quả bắt buộc của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Do đó, nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ nhưng hậu quả đứa trẻ chết không xảy ra thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ.

- Mặt chủ quan:

Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý. Khi thực hiện hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, người mẹ nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và có thể làm đứa trẻ chết tuy nhiên vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.

- Khung hình phạt

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ gồm có 02 khung hình phạt:

+ Khung 1: Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi.

+ Khung 2: Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết.

Lưu ý: Người quan hệ bất chính với người phụ nữ có thai và sinh con. Sau đó đã ép buộc người phụ nữ giết con mình mới đẻ hoặc 01 người vì một lý do nào đó mà ép buộc người mẹ giết con mình mới đẻ thì đồng phạm về tội giết con mới đẻ.

Nếu người nào ép buộc người mẹ giết con mình mới đẻ nhưng người mẹ này không chịu thực hiện, nên người đó đã có hành vi tự mình giết đứa trẻ thì phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).

Ví dụ: Chị A mang thai ngoài ý muốn và giấu việc mang thai của mình. Khi sinh con, do lo sợ bị gia đình phản ứng nên chị A đã giết chết đứa trẻ sơ sinh ngay sau khi đẻ và vứt xác đứa bé vào thùng rác.

Trong trường hợp này, hành vi của chị A đã cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, với các yếu tố:

- Chủ thể: Chị A là người phụ nữ vừa sinh con, có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Khách thể: Sinh mạng của đứa trẻ sơ sinh.

- Mặt khách quan: Chị A đã giết chết đứa trẻ sơ sinh sau khi đẻ. Hậu quả là làm chết trẻ sơ sinh. Có nhân quan hệ nhân quả giữa việc giết chết và cái chết của đứa trẻ.

- Mặt chủ quan: Chị A có lỗi cố ý trực tiếp, vì lo sợ bị gia đình phản ứng nên đã giết con.

3. Một số bản án về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

- Bản án về tội giết con mới đẻ số 95/2019/HSST

- Bản án 80/2020/HS-ST ngày 30/09/2020 về tội vứt bỏ con mới đẻ

- Bản án về tội vứt bỏ con mới đẻ số 04/2021/HS-ST

- Bản án 28/2021/HS-ST ngày 05/02/2021 về tội giết con mới đẻ

- Bản án 19/2021/HS-ST ngày 30/06/2021 về tội giết con mới đẻ

- Bản án về tội giết con mới đẻ số 41/2022/HS-PT

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
3602

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn