23/11/2022 11:18

Tội dùng nhục hình theo quy định của pháp luật Hình sự

Tội dùng nhục hình theo quy định của pháp luật Hình sự

Gần đây có vụ việc hai cựu cán bộ công an huyện bị bắt vì tội dùng nhục hình. Ban biên tập cho tôi hỏi đối với tội danh này, người phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?  (Thiên Thư – Bắc Ninh)

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Tội dùng nhục hình là gì?

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Dùng nhục hình tại Điều 373 như sau:

“Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Theo đó, dùng nhục hình được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sử dụng các phương pháp tra tấn, gây đau đớn về thể xác người đang bị điều tra, xét hỏi hoặc bị giam giữ cải tạo.

Hành vi dùng nhục hình xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng của người khác, cùng với đó là việc mất đi sự tôn nghiêm của pháp luật, do đó pháp luật Việt Nam coi đó là một tội phạm và quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự.

2. Các yếu tố cấu thành tội Dùng nhục hình

- Khách thể: Hành vi dùng nhục hình xâm phạm đến xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại, đồng thời xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án.

- Chủ thể: Chủ thể của tội Dùng nhục hình là chủ thể đặc biệt, là những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Mặt khách quan: hành vi khách quan của tội này là “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào”, ví dụ như: tra tấn bằng vũ lực (đấm, đá bằng tay , chân hoặc sử dụng các vậy dụng như roi, gậy,…) và các hình thức tra tấn khác (bắt nhịn ăn, không cho ngủ, bắt lao động nặng nhọc,…)

Mặc dù điều luật không quy định cụ thể về đối tượng bị xâm hại, như trên thực tế để được xem xét là phạm tội Dùng nhục hình, đối tượng bị xâm hại là những đối tượng sau:

+ Bị can, bị cáo (trong vụ án hình sự).

+ Phạm nhân (người bị kết án về hình sự đang chấp hành hình phạt).

+ Người bị (phải) thi hành án (theo thủ tục thi hành án dân sự).

+ Các đương sự (trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình).

- Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

3. Về khung hình phạm tội Dùng nhục hình

- Khung cơ bản (khoản 1): phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

- Khung hai (khoản 2): phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

+ Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

+ Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%.

- Khung ba (khoản 3): phạt tù từ 07 năm đến 12 năm đối với một trong các trường hợp:

+ Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm người bị nhục hình tự sát.

- Khung bốn (khoản 4) phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp phạm tội làm người bị nhục hình chết.

- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, người bị kết án về tội Dùng nhục hình có thể phải chịu mức án phạt tù từ 06 tháng và cao nhất là tù chung thân tùy vào tính chất và mức độ của hành vi.

Dưới đây là một trường hợp khác về tội Dùng nhục hình đã được xét xử trên thực tế, mời bạn cùng tham khảo nội dung:.

Bản án 280/2019/HSPT ngày 21/05/2019 về tội dùng nhục hình

Ngô Văn S, Trần Đức L, Nguyễn Phạm Việt H, Hồ Bá Đ và Vũ Trọng Tr là cán bộ Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Võ Tấn M là bị can đang bị khởi tố về tội “mua bán trái phép chất ma túy” được giao cho Nhà tạm giữ Công an thành phố P R - Th C để tiếp tục giam theo thẩm quyền. Ngay sau khi vào buồng giam số 12, M và một phạm nhân khác xảy ra xô xát và bị cán bộ quản giáo đưa lên phòng hỏi cung làm việc. Do M có thái độ không hợp tác và có lời nói xúc phạm cán bộ, các cán bộ bao gồm Ngô Văn S, Trần Đức L, Nguyễn Phạm Việt H, Hồ Bá Đ và Vũ Trọng Tr dùng tay, chân và ống nhựa đánh nhiều lần trên người M, bao gồm cả những vị trí nguy hiểm trên người. Hậu quả M ngất xỉu và chết lâm sàng trước khi đến bệnh viện.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 14/2018/HSST ngày 13 tháng 9 năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định:  Tuyên bố các bị cáo Ngô Văn S, Nguyễn Phạm Việt H, Trần Đức L, Hồ Bá Đ và Vũ Trọng Tr đều phạm tội “Dùng nhục hình” mới mức phạt lần lượt là 07 năm từ, 06 năm tù, 06 năm tù, 05 năm tù và 03 năm tù. Ngoài ra còn cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ trong ngành Công an từ 01 đến 03 năm và bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại.

Bị cáo Vũ Trọng Tr kháng cáo xin được hưởng án treo. Các bị cáo Trần Đức L và Nguyễn Phạm Việt H, Ngô Văn S và Hồ Bá Đ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.

Đại diện hợp pháp của bị hại, bà Phạm Thị Thu H kháng cáo đề nghị chuyển tội danh từ “Tội dùng nhục hình” sang tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng phạm tội “có tính chất côn đồ” và “có tính chất đê hèn”

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:

- Về yêu cầu chuyển tội danh từ tội “Dùng nhục hình” thành tội “Giết người”: Do công vụ của các bị cáo không phải là công vụ thông thường mà là nhiệm vụ trong hoạt động điều tra, được Bộ luật hình sự điều chỉnh bằng một chương riêng và được Bộ luật tố tụng hình sự quy định có cơ quan điều tra riêng - Thẩm quyền điều tra thuộc về Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, hành vi của 05 bị cáo dùng vũ lực gây đau đớn về thể xác, gây ra cái chết cho bị can Võ Tấn M xảy ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tạm giam, trong hoạt động điều tra, là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và cấu thành tội “Dùng nhục hình” được quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 1999, hậu quả chết người của vụ án được xem xét là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 3 Điều này.

- Về yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo: Hành vi phạm tội của các bị cáo dùng nhục hình làm Võ Tấn Mi chết, là tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thuộc trường hợp rất nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật hình sự 1999. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất rất nghiêm trọng của vụ án, vai trò của các bị cáo trong vụ án này.

Vì những lí lẽ trên, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ở thời điểm xảy ra vụ án, do Bộ luật hình sự năm 2015 lùi hiệu lực thi hành và theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 và điểm c khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 144/2016/QH13, quy định tại khoản 4 Điều 373 BLHS 2015 có hình phạt nặng hơn nhiều so với hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 298 BLHS 1999, nên không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2018

Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội Dùng nhục hình như sau:

Điều 298. Tội dùng nhục hình

1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Có thể thấy, so với quy định cũ tại BLHS 1999, BLHS 2015 đã cụ thể hóa các tình tiết định khung và có sự điều chỉnh về khung hình phạt. BLHS 2015 đã bổ sung mới khung hình phạt tại Khoản 4 Điều 373 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp hành vi phạm tội làm người bị nhục hình chết. Điều này thể hiện pháp luật có cái nhìn nghiêm khắc hơn của đối với tội danh này, đồng thời cũng đề cao quyền con người của các đối tượng bị xâm hại.

4. Phân biệt tội Dùng nhục hình (dẫn đến chết người) và tội giết người

Cần phân biệt rõ giữa tội Dùng nhục hình (dẫn đến chết người) và tội giết người, đây là yếu tố quan trọng để xác định đúng tội danh và khung hình phạt. Một vài tiêu chí để phân biệt như sau:

- Chủ thể: so với chủ thể của tội Giết người là chủ thể thường (bất kỳ người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự) thì chủ thể của tội Dùng nhục hình là chủ thể đặc biệt (những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án,…)

- Hành vi phạm tội: tội Dùng nhục hình xảy ra khi thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động điều tra, phân biệt với tội Giết người là hành vi có thể thực hiện ở bất cứ khi nào và bất cứ đâu.

- Mục đích: hành vi dùng nhục hình không nhằm mục đích cố ý tước đoạt mạng sống, hậu quả chết người nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội và được xem là tình tiết tăng nặng. Còn đối với tội Giết người, người thực hiện hành vi với mục đích cố ý chấm dứt sự sống của người khác, đây là yếu tố quan trọng để xác định tội danh, không phụ thuộc vào hậu quả chết người hay không.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến tội Dùng nhục hình theo quy định của pháp luật.

Trân trọng!

 

Phương Uyên
9888

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn