17/06/2024 11:18

Tội đe người khác qua điện thoại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Tội đe người khác qua điện thoại bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Tội đe dọa người khác là gì? Tội đe dọa người khác qua điện thoại bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Khi mạng xã hội và công nghệ thông tin ngày một phát triển thì tình trạng đe dọa người khác qua điện thoại đang để tống tiền cũng xảy ra nhiều. Có nhiều hình thức đe dọa như bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của người khác; đe doạ xâm phạm sức khoẻ của người khác,... bằng hình thức nhắn tin, gọi điện qua điện thoại. Vậy, đe dọa người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

1. Tội đe dọa người khác là gì?

Có thể hiểu đe dọa là hành vi uy hiếp tinh thần người khác qua việc thông báo trước bằng những cách khác nhau sẽ làm hoặc không làm việc bất lợi cho họ hoặc cho người thân thích của họ nếu không thỏa mãn các đòi hỏi nhất định.

Thêm vào đó danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Quyền này được pháp luật Việt Nam quy định và được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.

Vậy, tội đe dọa người khác bằng điện thoại là việc cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. 

Hành vi nhắn tin, gọi điện đe dọa người khác có nhiều mục đích khác nhau căn cứ tại Bộ luật hình sự 2015 có thể kể đến như: 

- Xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015;

- Đe dọa giết người căn cứ tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015;

- Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015;

- Nhắn tin đe dọa nhằm mục đích ép buộc quan hệ trái ý muốn của người khác được nêu rõ tại Điều 143 Bộ luật hình sự 2015.

Như vậy, đe dọa qua điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Mọi hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đều sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật. 

2. Tội đe dọa người khác qua điện thoại bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Đe dọa có nhiều hình thức và mục đích khác nhau, tùy vào từng trường hợp mà pháp luật định khung hình phạt theo từng tội danh. 

Xử phạt hành chính

Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ chịu mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tùy vào mục đích của việc phạm tội, Bộ luật hình sự quy định khung hình phạt như sau:

- Tội xúc phạm danh dự người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 về “Tội làm nhục người khác”:

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

… 

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

- Tội đe dọa giết người thì chịu mức phạt theo Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 về “Tội đe doạ giết người:

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

- Đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015:

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Tội đe dọa người khác nhằm mục đích ép buộc quan hệ trái ý muốn của người khác, người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm về Tội cưỡng dâm theo Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất là chung thân. 

Như vậy, dựa vào từng mục đích cụ thể của việc đe dọa cụ thể mà áp dụng chế tài của khung hình phạt nào với tội phạm tương ứng theo quy định của pháp luật hiện hành. Mức phạt tù cao nhất là chung thân với tội đe dọa người khác nhằm mục đích ép buộc quan hệ trái ý muốn của người khác.

Nguyễn Hải Phương Thảo
1489

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]