Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể được hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn bắt người làm con tin nhằm buộc người khác phải nộp cho mình một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt.
Theo đó, dấu hiệu nhận biết tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các yếu tố sau:
- Chủ thể: Cá nhân có có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định (từ đủ 16 tuổi trở lên); Cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị có năng lực trách nhiệm hình sự phạm tội thuộc khoản 2, Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
- Khách thể: Khách thể của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, đó là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Thông thường tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt, người bị bắt cóc là người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; còn người bị xâm phạm tài sản lại là những người thân của người bị bắt cóc.
- Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở việc bắt và giữ người trái pháp luật. Thông thường hành vi bắt người làm con tin được thực hiện một các lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm.
Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt Ether (ête), lừa dối... để bắt được người làm con tin.
Bắt giữ người trái phép ở đây không thuộc những trường hợp bắt giữ người, tạm giữ, tạm giam người theo quy định của pháp luật. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi bắt cóc con tin và đe dọa đòi người khác phải đưa tài sản.
- Mặt chủ quan: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
Khung hình phạt tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cụ thể như sau:
- Khung cơ bản: Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
+ Đối với người dưới 16 tuổi;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung ba: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Khung bốn: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Bên cạnh đó, người chuẩn bị phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Khung hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt khác nhau. Mức phạt tù từ 02 năm và có thể lên tới 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng, quản chế, cấm cư trú hoặc tịch thu tài sản.
- Bản án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản số 735/2023/HS-PT.
- Bản án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản số 23/2023/HS-PT.
- Bản án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc số 413/2022/HS-PT.
- Bản án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản số 437/2021/HS-PT.
- Bản án 36/2021/HS-PT ngày 02/04/2021 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trân trọng!