Theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Như vậy, Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản khi có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; các đương sự không thỏa thuận được với nhau hoặc các bên định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hay có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Theo đó, căn cứ Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, trong trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:
(1) Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.
(2) Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.
(3) Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:
- Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại (1) nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;
- Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.
(4) Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.
Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản.
(5) Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản.
(6) Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại (1), (2), (4) và (5).
Căn cứ tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
- Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
- Vật chứng.
- Lời khai của đương sự.
- Lời khai của người làm chứng.
- Kết luận giám định.
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
- Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
- Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
- Văn bản công chứng, chứng thực.
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, kết quả định giá tài sản và thẩm định giá tài sản cũng được xem là một trong các nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự.
Xem thêm: Quy định về việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong Tố tụng Dân sự như thế nào?