Chào chị, Ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của chị như sau:
Ngày 14/10/2022, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 323/QĐ-CA công bố thêm 04 án lệ mới. Như vậy, hiện nay có tổng số 56 án lệ được áp dụng trong xét xử tại Việt Nam.
- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 04/2021/HNGĐ-GĐT ngày 07/7/2021 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc dân sự “Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”; người yêu cầu là bà Nguyễn Thị S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 03 người.
- Tình huống án lệ: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1986 có hiệu lực), không đăng ký kết hôn, có tổ chức lễ cưới và có thời gian chung sống tại Việt Nam. Sau đó, hai bên ra nước ngoài sinh sống và phát sinh mâu thuẫn.
Khi chưa giải quyết ly hôn thì một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Toà án phải xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế. Khi chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân thực tế mà một bên đăng ký kết hôn với người khác tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam thì việc kết hôn này là trái pháp luật. Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
- Nội dung án lệ:
"[2] Căn cứ Biên bản xác minh ngày 13/11/2014 của Ủy ban nhân dân phường P và lời khai của những người làm chứng, trong đó có lời khai của ông Bùi Ngọc C (người cao tuổi, hàng xóm bên cạnh nhà bố mẹ đẻ bà S), ông Nguyễn Văn N (Khu trưởng Khu T, phường P) đều khai: Năm 1980, ông Phạm Bá H và bà Nguyễn Thị S có tổ chức đám cưới, chung sống với nhau; sau đó, hai ông bà vượt biên.
[3] Tại Bản chứng thực bản sao số khai sinh của anh Phạm Hồng K, sinh ngày 07/8/1981, thể hiện tên cha là Phạm Bá H và tên mẹ là Nguyễn Thị S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hồng Kông sau khi đã mang thai anh Phạm Hồng K.
[4] Ngoài ra, Bản sao sổ hộ khẩu số 500296496 do Công an thành phố M cấp ngày 03/11/2014 và Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13/4/2015 tại Phòng Công chứng số 02 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông Phạm Bà H có vợ là bà Nguyễn Thị S.
…
[8] Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế; tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.
[9] Việc ông H đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị L theo Giấy chứng nhận kết hôn số 09 ngày 17/4/2017 tại Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà Nguyễn Thị S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban nhân dân thành phố M, tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật.
[10] Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà S, tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.
[11] Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: “Theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1987, năm 2000 và năm 2013 chỉ điều chỉnh và có hiệu lực về không gian, thời gian và địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam. Còn việc ông H và bà S ăn ở với nhau bất hợp pháp chủ yếu là ở nước ngoài và sinh sống vào thời điểm ở trước và sau năm 1987, năm 2000 và trước năm 2013 khi có Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được ban hành, sửa đổi...” từ đó không công nhận quan hệ giữa ông H và bà S là vợ chồng và công nhận quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp là không đúng quy định pháp luật."
- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2014/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Kiều K với bị đơn là anh Nguyễn Hữu P.
- Tình huống án lệ: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải tiếp tục giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
- Nội dung án lệ:
“[3] Về nội dung: Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyên Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.”
- Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2012/DS-PT ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Võ Sĩ M với bị đơn là ông Đoàn C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 05 người.
- Tình huống án lệ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 01/01/2017 chưa được công chứng/chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.
- Nội dung án lệ:
“[6] Về thời hạn thực hiện giao dịch được hai bên xác định là từ khi xác lập giao dịch cho đến khi phía bị đơn thực hiện xong nghĩa vụ sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn, nên đây là giao dịch đang được thực hiện, về nội dung, hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 là đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, tuy thời điểm các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bị đơn chưa được cấp đất nên chỉ lập giấy viết tay thể hiện nội dung thỏa thuận, nhưng khi được cấp đất các bên đã thay đổi thỏa thuận bằng lời nói thành chuyển nhượng thửa 877 và tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng việc giao thêm tiền, giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời điểm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên bị đơn là đã đủ điều kiện để chuyển nhượng. Theo quy định tại Điều 116, khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn 110.000.000 đồng, phía bị đơn đã giao quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên giao dịch được công nhận hiệu lực...”
- Nguồn án lệ: Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 18/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang về vụ án “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Thu V với bị đơn là anh Vương Minh T, anh Vương Minh H.
- Tình huống án lệ: Người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.
- Nội dung án lệ:
"[4] ... Trong quá trình giải quyết vụ án các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh Vương Minh T và anh Vương Mình H có phần mộ của ông Vương Vãn A; Bà V là vợ hợp pháp của ông Vương Văn A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông Vương Văn A là chồng của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam. Việc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông Vương Văn A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015.”
Quyết định 323/QĐ-CA có hiệu lực kể từ ngày ký.