Trường hợp, các đương sự thỏa thuận được với nhau toàn bộ vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Hoặc tại phiên tòa, các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Như vậy, có trường hợp trong thực tiễn, thỏa thuận của đương sự trong vụ án là không phù hợp quy định của pháp luật (vi phạm điều cấm của pháp luật), nhưng họ tự nguyện thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào?
Ví dụ: “Ngày 01/11/2017, bà Nguyễn Thị T có vay của bà Trần Thị H số tiền 200 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 3%/tháng. Thời hạn vay là 01 năm. Hết thời hạn vay, bà T không trả được tiền vốn và tiền lãi 03 tháng cho bà H nên ngày 10/02/2019 bà H khởi kiện yêu cầu bà T trả tiền vốn 200 triệu đồng và tiền lãi 12 tháng theo thỏa thuận là 72 triệu đồng. Ngày 28/02/2019, Tòa án tổ chức phiên hòa giải cho các đương sự thỏa thuận việc giải quyết vụ án. Tại phiên hòa giải, bị đơn là bà T đồng ý trả tiền vốn và lãi còn nợ theo yêu cầu bà H tổng cộng là 272 triệu đồng. Thẩm phán đã giải thích cho bà T biết là theo quy định của BLDS năm 2015 thì mức lãi suất các bên có quyền thỏa thuận nhưng không được quá 20%/năm. Nếu nguyên đơn yêu cầu lãi suất vượt quá 20% thì không được chấp nhận. Tuy nhiên bà T rằng khi vay bà đã đồng ý mức lãi suất 3%/tháng. Với lại bà H chỉ tính lãi cho bà đến ngày 01/11/2018 nên bà đồng ý trả lãi như bà H yêu cầu.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì lãi suất các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của số tiền vay. Trong vụ án trên lãi suất mà bà T và bà H thỏa thuận là 36%/năm (tức vượt quá quy định 16%/năm). Theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao thì đối với hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn quy định được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; số tiền lãi đã trả vượt quá còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay. Như vậy, lãi suất vượt quá quy định là 16%/năm không có hiệu lực tương ứng số tiền lãi bà T không phải trả cho bà H là 32 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là ngoài số tiền lãi bà T phải trả cho bà H theo quy định là 40 triệu đồng thì việc bà T vẫn đồng ý trả cho H số tiền lãi 32 triệu đồng thì Tòa án có công nhận sự thỏa thuận của bà T và bà H về việc bà T trả cho bà H số tiền lãi 72 triệu đồng không. Vấn đề này có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: cho rằng mức lãi suất theo thỏa thuận là 3%/tháng tức 36%/năm là vượt quá giới hạn theo quy định của BLDS năm 2015 (không quá 20%/năm) nên mức lãi suất vượt quá quy định 16%/năm là trái pháp luật nên không được Tòa án chấp nhận. Cho nên Tòa án không được công nhận sự thỏa thuận của đương sự đối với số tiền lãi bà T đồng ý trả cho bà H là 32 triệu đồng ngoài số tiền 40 triệu đồng mà bà T phải trả cho bà H theo quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai: cho rằng mặc dù pháp luật có quy định mức lãi suất các bên thỏa thuận không vượt quá 20%/năm nhưng tại phiên hòa giải Thẩm phán đã giải thích rất rõ nhằm bảo vệ quyền lợi cho bị đơn là bà H theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên bà T vẫn có ý kiến đồng ý trả cho bà H tiền lãi tổng cộng 72 triệu đồng (bao gồm phần tiền lãi vượt quà quy định là 32 triệu đồng) theo yêu cầu của bà H. Cho nên Tòa án có quyền công nhận sự thỏa thuận của bà T và bà H, vì không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi của bà T.
Tác giả cho rằng về nguyên tắc Tòa án chỉ được công nhận sự thỏa thuận của đương sự nếu thỏa thuận của đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Trong vụ án nêu trên, thỏa thuận giữa bà T và bà H tại phiên hòa giải là hoàn toàn tự nguyện, không trái đạo đức xã hội nhưng số tiền lãi bà các bên thỏa thuận và yêu cầu Tòa án công nhận là vượt quá quy định của pháp luật. Cho nên về mặt lý luận, Tòa án không được quyền công nhận sự thỏa thuận của đương sự nếu thỏa thuận đó là vi phạm điều cấm của pháp luật. Nếu Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về lãi suất 36%/năm thì đồng nghĩa với việc Tòa án đã chấp nhận cho đương sự được quyền thỏa thuận lãi suất vượt quá quy định của pháp luật. Quy định tại Điều 468 của BLDS năm 2015 sẽ không còn nhiều ý nghĩa trên thực tế.
Tuy nhiên, việc dân sự cốt ở đôi bên, nếu Tòa án không công nhận sự thỏa thuận của bà T và bà H và đưa vụ án ra xét xử, buộc bà T trả cho bà H tiền vốn và tiền lãi 40 triệu đồng và bác một phần yêu cầu tiền lãi của bà H thì số tiền án phí các đương sự phải chịu là cao hơn trong trường hợp Tòa án hòa giải thành. Nếu như vậy thì không đảm bảo được quyền lợi của đương sự, không như ý chí tự thỏa thuận của đương sự. Cho nên, theo tác giả cách giải quyết vấn đề là Thẩm phán cần giải thích cho đương sự về quy định của pháp luật về lãi suất và trong trường hợp nào Tòa án được quyền công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Cho nên Tòa án sẽ nêu trong quyết định là công nhận sự thỏa thuận của đương sự về số tiền bà T phải trả cho bà H gồm tiền vốn 200 triệu đồng và tiền lãi theo quy định của pháp luật là 40 triệu đồng. Đồng thời Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của bà T đồng ý trả thêm cho bà H số tiền lãi 32 triệu đồng. Như vậy, quyết định của Tòa án vừa phù hợp quy định của pháp luật, vừa như ý chí thỏa thuận của đương sự trong vụ án.
Rất mong bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi thêm nhằm chia sẻ kinh nghiệm xảy ra trong thực tiễn.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát