13/03/2023 11:54

Tố giác tội phạm lừa đảo qua điện thoại thế nào?

Tố giác tội phạm lừa đảo qua điện thoại thế nào?

Tôi có nhận được những cuộc điện thoại từ người lạ nói rằng con tôi đang cấp cứu và cần chuyển gấp một số tiền để kịp thời làm thủ tục nhập viện, tôi nghi ngờ bị lừa đảo. Vậy tôi có thể tố giác hành vi trên không? Chị My – Long An.

Gần đây trên mạng xã hội lan truyền những đoạn video giả giáo viên, bác sỹ gọi điện lừa đảo tiền từ phụ huynh. Người dân có thể tố giác hành vi này theo hướng dẫn ở bài viết dưới đây?

1. Ai có thể tố giác lừa đảo qua điện thoại?

Căn cứ theo quy định tại Điều 144 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cụ thể:

- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Hình thức tố giác tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

Tuy nhiên, người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật. Như vậy, chị hoàn toàn có quyền tố giác hành vi trên nếu có giấu hiệu tội phạm. Đồng thời thông tin phải đúng sự thật, kèm theo bằng chứng (video, ghi âm cuộc hội thoại...) để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh chóng.

2. Ai có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác

Căn cứ theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, cụ thể:

- Mọi tố giác, tin báo về tội phạm phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, gồm:

+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

+ Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

- Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:

+ Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, theo thẩm quyền điều tra của mình.

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm.

3. Thông tin liên hệ và hồ sơ tố giác tội phạm

Người bị hại trong các vụ lừa đảo qua điện thoại có thể tố cáo hành vi phạm tội tới các cơ quan công an gần nhất hoặc các cơ quan được nêu trên để được hỗ trợ giải quyết kịp thời, đồng thời có thể tố giác thông qua đường dây nóng:

- Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an: 0692348569.

- Các cơ quan trực thuộc Bộ:

+ Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP Hà Nội: 069.2342431

+ Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại TP. HCM: 069.3336310

- Công an Thành phố trực thuộc Trung ương:

+ TP. Hà Nội: 069.219.6242.

+ TP. Hồ Chí Minh: 0693187200.

+ Thành phố Đà Nẵng: 069.4260254.

+ Thành phố Hải phòng: 069.278.5874.

+ Thành phố Cần Thơ: 0693.672214

- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

Khi tố cáo lừa đảo qua điện tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ, gồm:

- Đơn trình báo công an.

Mẫu đơn tố giác tội phạm: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/don-to-giac.docx

- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng).

- Chứng cứ kèm theo để chứng minh.

Nguyễn Ngọc Trầm
24090

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]