24/11/2023 19:10

Tổ chức tín dụng phân loại nhóm nợ theo rủi ro thế nào?

Tổ chức tín dụng phân loại nhóm nợ theo rủi ro thế nào?

Tôi muốn hỏi tổ chức tín dụng phân loại nợ theo rủi ro thế nào? Tỷ lệ trích lập dự phòng cho các nhóm nợ tín dụng là bao nhiêu?_Chí Vĩnh(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Có mấy nhóm nợ tín dụng?

Theo Khoản 1 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN thì tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ tín dụng theo 05 nhóm sau:

- Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn - Khoản nợ chưa thanh toán trong vòng 10 ngày.

- Nhóm 2: Nợ cần chú ý - Khoản nợ chưa thanh toán từ 10 đến 90 ngày.

- Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn - Khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày.

- Nhóm 4: Nợ có nghi ngờ - Khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày, có nguy cơ mất vốn.

- Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn - Khoản nợ quá hạn hơn 360 ngày, có khả năng mất vốn cao. 

Xem thêm: Dư nợ tín dụng là gì? Phân loại dư nợ tín dụng thế nào?

2. Tổ chức tín dụng phân loại nhóm nợ có rủi ro thấp

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN thì tổ chức tín dụng phân loại nợ theo rủi ro thấp trong các trường hợp sau đây:

- Đối với các khoản nợ quá hạn, tổ chức tín dụng phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Khách hàng trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn (kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn) và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 06 tháng đối với khoản nợ trung và dài hạn, 03 tháng đối với các khoản nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn;

+ Có tài liệu, hồ sơ chứng minh các nguyên nhân làm khoản nợ bị quá hạn đã được xử lý, khắc phục;

+ Tổ chức tín dụng có đủ cơ sở (thông tin, tài liệu kèm theo) đánh giá là khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi đúng thời hạn còn lại.

- Đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng phân loại lại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (kể cả nhóm 1) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

+ Khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 06 tháng đối với các khoản nợ trung và dài hạn, 03 tháng đối với các khoản nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại;

+ Có tài liệu, hồ sơ chứng minh các nguyên nhân làm khoản nợ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã được xử lý, khắc phục;

+ Tổ chức tín dụng có đủ cơ sở (thông tin, tài liệu kèm theo) để đánh giá là khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi đúng thời hạn đã được cơ cấu lại còn lại.

3. Tổ chức tín dụng phân loại nhóm nợ có rủi ro cao

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN thì tổ chức tín dụng phân loại nợ theo rủi ro thấp trong các trường hợp sau đây:

- Toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Đối với khách hàng có từ 02 khoản nợ trở lên tại tổ chức tín dụng mà có bất cứ một khoản nợ nào bị phân loại theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN vào nhóm có rủi ro cao hơn các khoản nợ khác, tổ chức tín dụng phải phân loại lại các khoản nợ còn lại của khách hàng vào nhóm có rủi ro cao nhất đó.

- Đối với khoản cho vay hợp vốn, tổ chức tín dụng làm đầu mối phải thực hiện phân loại nợ đối với khoản cho vay hợp vốn theo các quy định tại Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN và phải thông báo kết quả phân loại nợ cho các tổ chức tín dụng tham gia cho vay hợp vốn.

+ Trường hợp khách hàng vay hợp vốn có một hoặc một số các khoản nợ khác tại tổ chức tín dụng tham gia cho vay hợp vốn đã phân loại vào nhóm nợ không cùng nhóm nợ của khoản nợ vay hợp vốn do tổ chức tín dụng làm đầu mối phân loại, tổ chức tín dụng tham cho vay hợp vốn phân loại lại toàn bộ dư nợ (kể cả phần dư nợ cho vay hợp vốn) của khách hàng vay hợp vốn vào nhóm nợ do tổ chức tín dụng đầu mối phân loại hoặc do tổ chức tín dụng tham gia cho vay hợp vốn phân loại tuỳ theo nhóm nợ nào có rủi ro cao hơn.

- Tổ chức tín dụng phải chủ động phân loại các khoản nợ được phân loại vào các nhóm theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đánh giá của tổ chức tín dụng khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

+ Có những diễn biến bất lợi tác động tiêu cực đến môi trường, lĩnh vực kinh doanh của khách hàng;

+ Các khoản nợ của khách hàng bị các tổ chức tín dụng khác phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn (nếu có thông tin);

+ Các chỉ tiêu tài chính của khách hàng (về khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ trên vốn và dòng tiền) hoặc khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm liên tục hoặc có biến động lớn theo chiều hướng suy giảm;

+ Khách hàng không cung cấp đầy đủ, kịp thời và trung thực các thông tin tài chính theo yêu cầu của tổ chức tín dụng để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

4. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với nhóm nợ tín dụng

Trích lập dự phòng là số tiền mà tổ chức tín dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với từng khoản nợ của khách hàng.

Theo đó, Khoản 5 Điều 6 Quyết định 943/2005/QĐ-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN thì tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với 5 nhóm nợ tín dụng như sau:

- Nhóm 1: 0%,

- Nhóm 2: 5%,

- Nhóm 3: 20%,

- Nhóm 4: 50%

- Nhóm 5: 100%.

Lưu ý: Riêng đối với các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý, tổ chức tín dụng trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

Như vậy, tổ chức tín dụng phận loại rủi ro theo nhóm nợ tín dụng với 2 hình thức sau:

- Các trường hợp tổ chức tín dụng có thể phân loại lại nợ vào nhóm thấp hơn:

+ Đối với nợ quá hạn: Đáp ứng các điều kiện về thanh toán đầy đủ nợ gốc, lãi quá hạn và các kỳ hạn tiếp theo, có tài liệu chứng minh nguyên nhân quá hạn đã được xử lý, có cơ sở đánh giá khả năng trả nợ còn lại của khách hàng.

+ Đối với nợ cơ cấu lại: Tương tự như trên nhưng áp dụng với nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Các trường hợp phải phân loại nợ vào nhóm có rủi ro cao hơn bao gồm:

+ Toàn bộ nợ của 1 khách hàng phải cùng nhóm, nợ cho vay hợp vốn.

+ Căn cứ vào đánh giá của Ngân hàng khi có dấu hiệu xấu về khách hàng và khả năng trả nợ.

Đồng thời, tỷ lệ trích lập dự phòng từ 0 – 100% tương ứng với từng nhóm nợ tín dụng. Tổ chức tín dụng thực hiện trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,75 % tổng giá trị của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. 

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
1013

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn