29/12/2023 15:07

Tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp Tết bị xử lý thế nào?

Tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp Tết bị xử lý thế nào?

Tôi muốn hỏi tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp Tết bị xử lý thế nào?_Hữu Thanh(Hà Giang)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Chơi cờ bạc là gì?

Chơi cờ bạc tương tự như đánh bạc là trò chơi rủi ro lấy tiền hay một vật có giá trị ra để đánh cược. Chơi cờ bạc được hiểu là việc chấp nhận được thua bằng tiền hay bằng một vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện(xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác...) với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật.

Chơi cờ bạc ăn tiền được xem là một hành vi trái quy định của pháp luật và người chơi hay người tổ chức chơi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo số tiền hoặc giá trị vật chất dùng để chơi cờ bạc.

2. Tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp tết bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính hành vi tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp Tết

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi tổ chức chơi cờ bạc bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau:

- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức chơi cờ bạc sau đây:

+ Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để chơi cờ bạc trái phép;

+ Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc chơi cờ bạc;

+ Đặt máy chơi cờ bạc, trò chơi điện tử trái phép;

+ Tổ chức hoạt động chơi cờ bạc ăn tiền trái phép.

Ngoài ra, người tổ chức chơi cờ bạc trái phép còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.(Theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức chơi cờ bạc ăn tiền dịp Tết

Người thực hiện hành vi tổ chức chơi cờ bạc dịp Tết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Theo đó:

Hình phạt chính

- Khung 01:

Phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Tổ chức cho 10 người chơi cờ bạc trở lên hoặc tổ chức từ 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi cờ bạc trị giá từ 05 triệu đồng trở lên;

+ Sử dụng địa điểm thuộc sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người chơi cờ bạc trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi cờ bạc trị giá 05 triệu đồng trở lên;

+ Tổng số tiền, hiện vật dùng để chơi cờ bạc trong cùng một lần trị giá từ 20 triệu đồng trở lên;

+ Tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia chơi cờ bạc; lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc chơi cờ bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi chơi cờ bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc chơi cờ bạc;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi chơi cờ bạc hoặc đã bị kết án về tội này hoặc Tội đánh bạc, chưa được xóa án tích mà tái phạm.

- Khung 02:

Phạt tù từ 05 - 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên;

+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
1579

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]