11/10/2021 14:39

Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới, một số đối tượng vì mục đích vụ lợi cá nhân đã đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép. Tùy theo mức độ, hậu quả xảy ra của các hành vi nêu trên thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm 11/2021/HS-ST ngày 26/05/2021 về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép đối với bị cáo Võ Văn S có nội dung tóm tắt như sau:

"Bị cáo Võ Văn S có hộ khẩu tại tỉnh An Giang. Từ năm 2000, S cùng gia đình sang Campuchia sinh sống và được cấp thẻ thường trú danh cho người nước ngoài nhập cư. Do sinh sống gần khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia và thông thạo đường đi nên đã nhiều lần tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam bằng phương tiện xuồng máy với mục đích kiếm tiền tiêu xài. Cụ thể bị cáo tổ chức 03 lần đưa 06 người từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam:

- Ngày 05/10/2020 và ngày 22/10/2020 bị cáo đưa 02 người không biết họ tên, địa chỉ từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào khu vực thị xã C, tỉnh An Giang và nhận số tiền 2.000.000 đồng.

- Ngày 26/10/2020, bị cáo đưa 04 người gồm Lê Văn T, Thoi M, Grov Chung Kh, Heng B nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đến huyện H, tỉnh Đồng Tháp thì bị bắt quả tang, chưa nhận tiền công."

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tuyên xử phạt bị cáo Võ Văn S 05 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".

Hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép được thể hiện dưới các hình thức sau:

- Đưa người nước ngoài qua biên giới Việt Nam mà không xin phép.

- Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác nhập cảnh.

- Nhập cảnh trái phép vào biên giới Việt Nam.

Tùy từng loại hành vi mà mức xử phạt cũng tăng giảm theo tính chất nguy hiểm cũng như mức độ thực hiện hành vi. Đối với hành vi của bị cáo S, Tòa án đã áp dụng điểm b, c Khoản 2 Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

"1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

...

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

..."

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại Công văn 1557/VKSTC-V1 ngày 20/04/2021 của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thì:

- Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép nhưng chưa đưa được qua biên giới mà đã bị phát hiện, bắt giữ thì đối tượng vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS năm 2015) trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

- Đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam thì:

+ Nếu người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS năm 2015) với vai trò đồng phạm.

+ Nếu biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm thì xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” (Điều 348 BLHS năm 2015).

Trong tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép được xem là 1 trong 14 hành vi vi phạm pháp luật trong công tác phòng chống COVID-19. Đây là hành vi rất nguy hiểm bởi trong trường hợp người được đưa nhập cảnh trái phép bị nhiễm COVID-19 thì người này sẽ có khả năng lây lan dịch bệnh ra cộng đồng do không được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát. Vì vậy, người thực hiện hành vi và người nhập cảnh trái phép khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt nghiêm minh, thích đáng với hậu quả xảy ra. Ngoài tội "Tổ  chức cho người khác nhập cảnh trái phép", người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh" (Điều 347 BLHS 2015) và tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" (Điều 240 BLHS 2015).

Như vậy, có thể thấy dù Chính phủ, chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều nội dung cảnh báo, khuyến cáo yêu cầu người dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người nhưng vẫn còn các đối tượng có hành vi cố tình vi phạm, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vì lợi ích cá nhân. Đối với các đối tượng này, cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, cần thắt chặt an ninh, tăng cường bố trí lực lượng bảo vệ tại các khu vực biên giới, các địa phận tiếp giáp với nước ngoài để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa lượng người ra vào lãnh thổ Việt Nam.

Xuân Hiền
1509

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn