Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 02/2024/TT-TANDTC ngày 31/12/2024,quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025, trừ điểm h và điểm i khoản 3 Điều 3 Thông tư 02/2024/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày Vụ Công tác phía Nam kết thúc hoạt động theo quy định của pháp luật, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-TANDTC quy định tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao gồm các đơn vị sau đây:
- Văn phòng;
- Cục Kế hoạch - Tài chính;
- Cục Công nghệ thông tin;
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra I);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự (Vụ Giám đốc, kiểm tra II);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ Giám đốc, kiểm tra II);
- Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính (Vụ Giám đốc, kiểm tra IV);
- Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học;
- Vụ Tổ chức - Cán bộ;
- Vụ Hợp tác quốc tế;
- Vụ Công tác phía Nam;
- Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao;
- Học viện Tòa án;
- Báo Công lý;
- Tạp chí Tòa án nhân dân.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-TANDTC cũng quy định các chức vụ, chức danh trong các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao gồm:
- Văn phòng, Cục, Vụ và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao có: Vụ trưởng hoặc tương đương, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, Trưởng phòng hoặc tương đương, Phó Trưởng phòng hoặc tương đương, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động;
- Học viện Tòa án có: Giám đốc Học viện, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng khoa và tương đương, Phó Trưởng khoa và tương đương, viên chức và người lao động;
- Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân có: Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động.
Theo Điều 13 Thông tư 02/2024/TT-TANDTC thì thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có chức năng tham mưu, giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Tòa án nhân dân, gồm các đơn vị:
- Phòng Thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ;
- Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong đó, Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau :
(1) Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Tòa án nhân dân trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;
(2) Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham mưu xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp về nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, quản lý công chức, viên chức, người lao động trong Tòa án nhân dân;
(3) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân;
(4) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án nhân dân theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền hoặc chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt;
(5) Xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
(6) Quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật tố tụng;
(7) Quản lý, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; hướng dẫn thực hiện về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định;
(8) Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc thẩm quyền theo phân cấp. Thanh tra lại vụ việc đã được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
(9) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
(10) Thực hiện báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;
(11) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.