20/09/2021 14:27

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và những điều cần lưu ý khi áp dụng

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và những điều cần lưu ý khi áp dụng

Theo quy định của BLHS thì có 2 loại tình tiết tăng nặng là: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và Tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Trong thực tiễn việc vận dụng các tình tiết tăng nặng có nhiều vấn đề phải lưu ý để áp dụng được phù hợp.

1.Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những yếu tố làm thay đổi mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội theo hướng nặng hơn

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một vụ án đối với người phạm tội cụ thể chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong phạm vi cấu thành (cấu thành tội phạm, cấu thành định khung) chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm ấy. Nghĩ là không thể vì có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà người phạm tội sẽ bị xử phạt theo mức hình phạt cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt mà người đó bị kết án. Do vậy, nếu bị cáo bị kết án về tội phạm quy định tại khoản thấp (cấu thành cơ bản của tội phạm) mà có nhiều tình tiết tăng nặng thì Toà án cũng không được quyết định mức án theo quy định tại khoản cao hơn (cấu thành tăng nặng định khung) của điều luật. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS thì chỉ 15 tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Phạm tội có tính chất côn đồ; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội; Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm  hình sự có nội dung và ý nghĩa tăng nặng khác nhau. Cho nên mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người bị áp dụng các tình tiết tăng nặng cũng khác nhau. Ví dụ mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự của người tái phạm nguy hiểm phải cao hơn người tái phạm; của người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cao hơn người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng[1]...

2.Các tình tiết tăng nặng có thể được quy định là tình tiết định tội hoặc tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể

Trong đó, các tình tiết tặng nặng định khung hình phạt là những tình tiết làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại các khung tăng nặng của từng tội phạm cụ thể. Về kỹ thuật lập pháp và xuất phát từ tính chất và mức độ nghiêm trọng mà BLHS quy định tình tiết tăng nặng ở các khung tăng nặng khác nhau trong cùng một tội phạm cụ thể. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 168 BLHS, thì:

- Các tình tiết phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ và tái phạm nguy hiểm... được quy định là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 168 BLHS;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh … được quy định là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3 Điều 168 BLHS;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp… được quy định là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 4 Điều 168 BLHS.

Như vậy, trong số 15 tình tiết tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS, chỉ có các tình tiết phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh và lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp… được quy định là những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của Tội cướp tài sản. Mức độ tăng nặng hình phạt của các tình tiết này cũng khác nhau. Theo đó, đối với người bị kết án về tội cướp tài sản, thì:

- Bị cáo có một hay nhiều tình tiết phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ và tái phạm nguy hiểm... thì cũng chỉ bị xử phạt cao nhất là 15 năm tù (mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 2 Điều 168 BLHS);

- Bị cáo có một tình tiết tăng nặng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh thì cũng chỉ bị xử phạt cao nhất là 20 năm tù (mức hình phạt cao nhát quy định tại khoản 3 Điều 168 BLHS);

- Bị cáo có một tình tiết tăng nặng lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì cũng chỉ bị xử phạt cao nhất là tù chung thân (mức hình phạt cao nhát quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS).

3. Một số trường hợp cần lưu ý khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS, thì “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Do vậy, khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cần lưu ý một số trường hợp:

- Thứ nhất, khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể mà tình tiết tăng nặng đã là tình tiết định tội, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS. Ví dụ: Khi kết án một người về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 187 BLHS, thì Tòa án không được áp dụng thêm điểm a (có tổ chức) khoản 1 Điều 52 BLHS để quyết định hình phạt đối với họ.

- Thứ hai, khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt mà tình tiết ấy cũng được BLHS quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS. Ví dụ: Khi kết án một người về Tội cướp tài sản theo quy định tại điểm a (có tổ chức), b (có tính chất chuyên nghiệp), h (tái phạm nguy hiểm) hoặc điểm e (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu..) khoản 2 Điều 168 BLHS, thì Tòa án không được áp dụng thêm điểm a (có tổ chức), b (có tính chất chuyên nghiệp), h (tái phạm nguy hiểm) hoặc điểm i (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu..) khoản 1 Điều 52 BLHS để quyết định hình phạt đối với họ.

- Thứ ba, khi kết án bị cáo về một tội phạm cụ thể theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (ở khoản nặng hơn) mặc dù họ cũng phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng định khung ở khoản nhẹ hơn và tình tiết nhẹ hơn cũng được BLHS quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS. Ví dụ:

Ví dụ 1: Khi kết án một người về Tội cướp tài sản theo quy định tại điểm c (Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh – cũng là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 BLHS) khoản 3 Điều 168 BLHS và trong trường hợp bị cáo có các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều luật này (như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ và tái phạm nguy hiểm), thì Tòa án cũng không được áp dụng thêm điểm a (có tổ chức), b (có tính chất chuyên nghiệp), h (tái phạm nguy hiểm) hoặc điểm i (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu..) khoản 1 Điều 52 BLHS để quyết định hình phạt đối với họ.

Ví dụ 2: Khi một người về Tội cướp tài sản theo quy định tại điểm a (Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên – không phải là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS) khoản 4 Điều 168 BLHS và trong trường hợp bị cáo có các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại khoản 2 (như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ và tái phạm nguy hiểm) hoặc có tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm c (lợi dụng thiên tai, dịch bệnh) khoản 3 Điều luật này, thì Tòa án cũng không được áp dụng thêm điểm a (có tổ chức), b (có tính chất chuyên nghiệp), h (tái phạm nguy hiểm), i (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu..) hoặc điểm l (lợi dụng thiên tai, dịch bệnh) khoản 1 Điều 52 BLHS để quyết định hình phạt đối với họ.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm về chức vụ lại hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự như sau:

“2. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại của các lần vi phạm thuộc khung hình phạt tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại, họ còn bị áp dụng tình tiết định khung tặng nặng hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

a) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt, của hối lộ hoặc tài sản thiệt hại thuộc khoản 2 của điều luật tương ứng thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

Ví dụ: Ngày 15-8-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 50.000.000 đồng; ngày 30-6-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 100.000.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng 02 tình tiết tăng nặng định khung là: “của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” và “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 354 của Bộ luật Hình sự.

b) Nếu tổng trị giá tài sản chiếm đoạt hoặc của hối lộ nhận hoặc tài sản thiệt hại thuộc khung hình phạt tăng nặng khác thì người phạm tội bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên”.

Ví dụ: Ngày 11-3-2019, Nguyễn Văn A có hành vi nhận hối lộ số tiền 400.000.000 đồng; ngày 30-7-2020, A lại tiếp tục nhận hối lộ số tiền 200.000.000 đồng bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết tặng nặng định khung "của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng" theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 354 và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự”[2].

Theo chúng tôi, thì nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị quyết nêu trên của HĐTP TANDTC là chưa chính xác. Bởi lẽ:

- Thứ nhất, theo hướng dẫn nêu trên, thì không chỉ trường hợp 02 lần phạm tội được nêu trong ví dụ mà cả các trường hợp phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 354 BLHS, người phạm tội cũng bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS. Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nêu trên không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”.

- Thứ hai, bản chất “tăng nặng trách nhiệm hình sự” của việc 02 lần phạm tội của Nguyễn Văn A trong vụ án nêu trên đã thu hút vào khung nặng hơn. Theo đó, thì vì 02 lần phạm tội (lần một nhận hối lộ số tiền 400.000.000 đồng; lần hai nhận hối lộ số tiền 200.000.000) và mỗi lần phạm tội đều là trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 BLHS nên đã bị thu hút và bị coi là phạm tội theo quy định tại điểm a "của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng" khoản 3 Điều luật này. Đồng thời, người bị kết án đã có nguy cơ bị xử phạt với mức án cao hơn mức hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 354 BLHS.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1] Tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không được BLHS năm 2015 quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở Điều 52 nhưng vẫn được coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt ở một số tội phạm cụ thể.

[2] Xem: Điều 8 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm về chức vụ lại hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi quy định tại Chương XXIII của Bộ luật Hình sự

9200

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]