Hòa giải có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn, xích mích được giập tắt họăc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được sự xung đột, hiểu biết lẫn nhau, giữ gìn cục diện ổn định… Chính vì vai trò to lớn như vậy nên các nước trên thế giới quy định việc hòa giải trong giải quyết các tranh chấp (ở góc độ quốc tế, hòa giải cũng là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế được quy định tại Hiến Chương Liên Hiệp quốc).
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay thì hòa giải gồm có các loại hình chính: hòa giải ngoài Tòa án; hòa giải tại Tòa án; hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài. Hòa giải ngoài Tòa án bao gồm: hòa giải cơ sở, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn), hòa giải các tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp thương mại, hòa giải tranh chấp người tiêu dùng với cơ quan, tố chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hòa giải tại Tòa án bao gồm hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự và hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Hòa giải tiền tố tụng được hiểu là trong trường hợp mà pháp luật quy định, các chủ thể trong mối quan hệ tranh chấp phải hòa giải thông qua cơ quan hòa giải. Sau khi có kết quả hòa giải, dù là hòa giải không thành, chủ thể mới được tiếp tục gửi đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền. Có thể nói, hòa giải tiền tố tụng là thủ tục bắt buộc, một trong những điều kiện thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hòa giải tiền tố tụng gồm có hai hình thức là hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND xã, (phường, thị trấn) và hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Về bản chất, hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, phường, thị trấn; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Hòa giải viên lao động, Chủ tịch UBND huyện (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là một thủ tục có tính chất pháp lý bắt buộc. Đây có thể được coi như là một giai đoạn bắt buộc trước khi nộp đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền.
Về phạm vi hòa giải:
- Trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Phạm vi hòa giải đối với hoạt động này là những tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được. Tranh chấp đất đai bao gồm tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo đó, các tranh chấp tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp; còn tranh chấp quyền sử dụng đất được hiểu là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
- Trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: Phạm vi hòa giải là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên các tranh chấp lao động cá nhân sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền: Phạm vi hòa giải là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.
Về chủ thể thực hiện việc hòa giải:
Hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai do Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện. Cơ cấu thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân do Hòa giải viên lao động tiến hành. Hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp tập thể về quyền do Hòa giải viên lao động, Chủ tịch UBND huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) tiến hành. Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động: Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và phẩm chất đạo đức tốt; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án; Am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; Có 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động.
Về hệ quả pháp lý của việc hòa giải:
Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND cấp xã. Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân: Kết quả hòa giải tranh chấp lao động cá nhân phải được lập thành biên bản. Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo luật định mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền: Nếu hòa giải viên lao động hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) giải quyết. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn luật định mà Chủ tịch UBND cấp huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về bản chất, hoạt động hòa giải ở cơ sở là việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, khuyến khích, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, vi phạm pháp luật giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm bớt vụ việc phải đưa lên TAND giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Về chủ thể thực hiện việc hòa giải:
Hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện bởi các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở (gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố và cộng đồng dân cư khác) để hoạt động hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải gồm có tổ trưởng và các hòa giải viên; mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ (đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số). Hòa giải viên được bầu ra trong số những người có các tiêu chuẩn như: có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật. Sau khi bầu chọn được hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.
Về hệ quả pháp lý của việc hòa giải:
Nếu hòa giải thành, các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành; nếu hòa giải không thành thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)