31/10/2023 19:58

Tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?

Tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?

Tôi muốn hỏi tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?_Hải Đăng(TP.HCM)

>> Xem thêm: Toàn bộ danh mục 18 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ mới nhất theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP

Tải về mẫu báo cáo công tác PCCC định kỳ 6 tháng năm 2024 mới nhất

1. Tiêu lệnh chữa cháy là gì? Nên đặt tiêu lệnh chữa cháy ở đâu?

Tiêu lệnh chữa cháy là gì?

Tiêu lệnh chữa cháy là những quy định về an toàn trong phòng cháy chữa cháy và những chỉ dẫn, những hướng dẫn bước đầu để khắc phục ngọn lửa tránh cho nó lan rộng ra, đồng thời giữ an toàn tính mạng cho mọi người mỗi khi có hỏa hoạn xảy ra. Bộ tiêu lệnh chữa cháy gồm 02 tấm và được dán ở những nơi thuận tiện, nhiều người qua lại giúp mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy và hiểu về công tác phòng cháy chữa cháy.

Tiêu lệnh chữa cháy là biển báo ghi nội dung hướng dẫn cách ứng phó nhanh chóng, kịp thời trong phòng cháy chữa cháy có mục đích để cung cấp thông tin cần thiết, cảnh báo, cảnh giác, giúp đề phòng ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra ở những khu dân cư, tòa nhà, cơ sở kinh doanh, sản xuất.

Tiêu lệnh chữa cháy đúng tiêu chuẩn gồm 04 bước sau:

- Khi có xảy ra cháy nổ thì cần phải hoạt động gấp

- Cúp cầu dao điện ngay khi gặp cháy nổ

- Dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa

- Gọi điện 114 đến đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp

Ngoài ra, kèm theo tiêu lệnh là bảng nội quy phòng cháy chữa cháy bao gồm 08 Điều cần lưu ý như sau:

- Điều 1: Phòng cháy chữa cháy chính là nghĩa vụ của mỗi công dân

- Điều 2: Mỗi công dân cần phải tích cực đề phòng không để cháy nổ xảy ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để kịp thời chữa cháy khi cần.

- Điều 3: Cần phải thận trọng trong việc dùng lửa, các nguồn nhiệt, hóa chất và các chất dễ cháy, nổ độc hại, đồng thời tuân theo các quy định về phòng cháy chữa cháy.

- Điều 4: Cấm câu mắc và sử dụng điện tùy tiện. Sau giờ làm việc phải tắt các thiết bị điện khi không dùng đến, chú ý đèn điện, quạt điện, bếp điện trước khi ra về. Chú ý không để hàng hóa, vật tư áp sát vào bóng đèn, bếp điện. Tuân thủ nghiêm ngặt những quy định kỹ thuật, an toàn trong sử dụng điện.

- Điều 5: Vật tư hàng hóa phải được sắp xếp gọn gàng, đảm bảo khoảng cách an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ, kiểm tra và cứu chữa khi cần thiết. Không nên dùng khóa mở nắp bình xăng và các chất dung môi dễ cháy bằng sắt, thép.

- Điều 6: Khi giao nhận hàng, xe không được nổ máy trong kho, hay ở những nơi chứa nhiều chất dễ cháy, khi đậu phải hướng đầu xe ra ngoài.

- Điều 7: Trên các lối đi lại, đặc biệt là tại các lối thoát hiểm không để các chướng ngại vật.

- Điều 8: Đơn vị hoặc cá nhân nào có thành tích phòng cháy chữa cháy sẽ được khen thưởng. Đối với những người nào vi phạm các quy định trên thì tùy trách nhiệm nặng nhẹ mà bị xử lý từ thi hành kỷ luật hành chính đến truy tố theo quy định của pháp luật hiện hành

Bảng tiêu lệnh chữa cháy nên đặt ở đâu?

Các địa điểm cần đặt bảng tiêu lệnh chữa cháy như sau:

- Khu vực dễ cháy như nhà trọ, quán karaoke, vũ trường, rạp chiếu phim, bếp ăn tập thể, nhà hàng, trạm xăng dầu...

- Khu vực đông dân cư như: Chung cư, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại,...

- Khu vực công ty, nhà máy, xí nghiệp, xưởng in, kho xăng dầu,...

Theo đó, Việc nắm được các bước xử lý khi xảy ra cháy, nổ theo tiêu lệnh chữa cháy và nội quy PCCC có ý nghĩa rất quan trọng như giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản; xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân và cộng đồng; giúp đảm bảo an toàn cháy nổ tại nơi làm việc, khu dân cư, nơi công cộng; hạn chế thiệt hại về kinh tế, môi trường do cháy gây ra; góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.

Như vậy, mỗi người dân cần tự ý thức và nắm rõ cách phòng cháy, xử lý khi có cháy, nổ theo nội dung được khuyến cáo trong bảng tiêu lệnh chữa cháy và nội quy phòng cháy chữa cháy.

2. Nội quy an toàn về PCCC gồm những gì?

Theo Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy như sau:

- Nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Quy định việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt;

+ Quy định việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy;

+ Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

+ Những việc phải làm khi có cháy, nổ xảy ra.

- Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải thể hiện đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy của khu vực, tầng nhà.

Lưu ý: Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung nêu trên.

- Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm:

+ Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng, các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa tại nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất dễ cháy, nổ;

+ Biển báo khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ;

+ Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, gồm: Biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn; biển chỉ vị trí trụ, cột, bể, bến lấy nước chữa cháy.

- Quy cách, mẫu biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4879:1989 Phòng cháy - Dấu hiệu an toàn về mẫu mã, kích thước. Trong trường hợp cần phải quy định rõ hiệu lực của biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn thì phải có biển phụ kèm theo.

- Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải được phổ biến và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành.

Như vậy, các biển báo, biển cấm, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng chóng cháy nổ và có hướng xử lý đúng, kịp thời để tránh thiệt hiện về người và tài sản ở mức thấp nhất.

Hứa Lê Huy
26550

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]