01/12/2023 11:13

Tiêu lệnh chữa cháy được đặt ở đâu trong khu dân cư?

Tiêu lệnh chữa cháy được đặt ở đâu trong khu dân cư?

Tôi muốn hỏi Tiêu lệnh chữa cháy có mấy bước? Tiêu lệnh chữa cháy được đặt ở đâu trong khu dân cư?_Linh Tâm(Lâm Đồng)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tiêu lệnh chữa cháy có mấy bước?

Tiêu lệnh chữa cháy là biển báo ghi nội dung hướng dẫn cách ứng phó nhanh chóng, kịp thời trong phòng cháy chữa cháy có mục đích để cung cấp thông tin cần thiết, cảnh báo, cảnh giác, giúp đề phòng ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra ở những khu dân cư, tòa nhà, cơ sở kinh doanh, sản xuất.

Tiêu lệnh chữa cháy đúng tiêu chuẩn gồm 04 bước sau:

- Bước 1: Khi có xảy ra cháy nổ thì cần phải hoạt động gấp.

- Bước 2: Cúp cầu dao điện ngay khi gặp cháy nổ.

- Bước 3: Dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa.

- Bước 4: Gọi điện 114 đến đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp.

Ngoài ra, kèm theo tiêu lệnh chữa cháy là bảng nội quy quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Xem thêm: Nội quy an toàn về phòng cháy chữa cháy

2. Tiêu lệnh chữa cháy được đặt ở đâu trong khu dân cư?

Khu dân cư là gì?

Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định khu dân cư là Khu dân cư là nơi sinh sống của cá nhân, hộ gia đình được bố trí trên phạm vi thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương (gọi chung là thôn). Một thôn được xác định là một khu dân cư thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

Khu dân cư phải đảm bảo các điều kiện gì về PCCC?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì khu dân cư phải đảm bảo các điều kiện về pccc sau:

- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Lưu ý: Các điều kiện an toàn về pccc nêu trên phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Tiêu chí xác định khu dân cư có nguy cơ cháy, nỗ cao

Theo Điều 6 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao là khu dân cư có một trong những tiêu chí sau:

- Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ.

- Có tối thiểu 20% hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở hộ gia đình.

- Có cơ sở chế biến, sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Tiêu lệnh chữa cháy được đặt ở đâu trong khu dân cư?

Khu dân cư nên đặt tiêu lệnh chữa cháy ở nơi dễ nhìn thấy, nơi đông người qua lại và nên đặt cùng với bình chữa cháy, các thiết bị pccc khác(nếu có thể). Các nơi cần đặt tiêu lệnh chữa cháy cụ thể:

- Phòng hay chỗ canh gác của bảo vệ khu dân cư: Đây là nơi trung tâm, dễ quan sát và được bảo vệ trực 24/7 nên rất thuận lợi cho việc điều phối lực lượng chữa cháy;

- Các lối ra vào khu dân cư: Giúp lực lượng chữa cháy dễ dàng tiếp cận hiện trường, đặc biệt là xe cứu hỏa khi xảy ra cháy, nổ;

- Các góc chợ, siêu thị, trường học: Những nơi này thường xuyên tập trung đông người nên có nguy cơ cháy cao;

- Gần các thang máy, cầu thang bộ: Thuận tiện cho việc sơ tán, cứu hộ cứu nạn;

- Khu vực trung tâm của từng tòa nhà, từng tầng: Dễ quan sát, điều phối di tản dân cư;

- Các hộ gia đình cũng nên treo tiêu lệnh nhỏ trong nhà để mỗi thành viên biết cách thực hiện các bước pccc khi phát hiện xảy ra cháy, nổ.

Như vậy, việc đặt tiêu liệu chữa cháy đúng nơi, đúng chỗ trong khu dân cư rất quan trọng vì điều đó giúp mọi người có thể nhìn thấy và biết được các bước cần thực hiện khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, giúp lực lượng chức năng dễ dàng tiếp cận nơi đặt bình chữa cháy và các thiết bị chữa cháy để kịp thời sơ tán, cứu hộ, cứu nạn từ đó giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản. Và một điều cần lưu ý đối với tất cả mọi người là “ Phòng cháy luôn quan trọng hơn chữa cháy”.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
520

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn