Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 11/2024/TT-BTP thì Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm cần đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện chung như sau:
- Đáp ứng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 10/2024/TT-BTP.
- Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Trung tâm Đăng ký về việc tham dự kỳ xét thăng hạng trong trường hợp viên chức tại Trung tâm Đăng ký đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vượt quá số lượng hoặc vượt quá cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp quy định tại Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Đăng ký đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong trường hợp xét theo nhu cầu của Trung tâm Đăng ký.
- Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chung khác theo quy định liên quan của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Như vậy, Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm cần đáp ứng ba tiêu chuẩn chính để được xét thăng hạng. Đầu tiên, phải đạt tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và trình độ đào tạo theo Thông tư 10/2024/TT-BTP. Tiếp theo, cần phù hợp với quy định của Trung tâm Đăng ký về số lượng và cơ cấu viên chức. Cuối cùng, phải tuân thủ các điều kiện chung khác về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo quy định pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 11/2024/TT-BTP tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III lên hạng II như sau:
- Đang giữ chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III - mã số: V.00.01.03 (sau đây gọi là Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III) tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
- Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng II - mã số: V.00.01.02 quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 10/2024/TT-BTP.
- Có thời gian giữ chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III từ đủ 09 năm trở lên.
Trường hợp thời gian giữ chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III chưa đủ 09 năm trở lên nhưng người dự xét thăng hạng đã có thời gian giữ chức danh tương đương thì có thể được xét thăng hạng nếu tổng thời gian giữ cả hai chức danh này đã đủ 09 năm trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) trở lên.
Thời gian giữ chức danh quy định tại khoản này không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
- Đã thực hiện ít nhất 01 (một) trong các nhiệm vụ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2024/TT-BTP và có quyết định hoặc có xác nhận về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng III muốn thăng hạng II cần đáp ứng bốn tiêu chuẩn và điều kiện sau:
- Phải đang giữ chức danh hạng III (mã V.00.01.03) tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng..
- Cần đạt năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm hạng II - mã số: V.00.01.02
- Có thời gian công tác hạng III từ 9 năm trở lên, hoặc tổng thời gian giữ chức danh tương đương đủ 9 năm với ít nhất 1 năm ở hạng III.
- Cuối cùng, phải hoàn thành ít nhất một nhiệm vụ quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BTP và được cấp có thẩm quyền xác nhận.
Theo đó, tại Điều 2 Thông tư 11/2024/TT-BTP quy định về những nguyên tắc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bao gồm:
(1) Việc tổ chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm; vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng viên chức đăng ký theo chức danh nghề nghiệp và theo nhu cầu của Trung tâm Đăng ký phù hợp với Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Viên chức đăng ký biện pháp bảo đảm được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này, quy định pháp luật khác có liên quan.
(3) Bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan trong xác định tiêu chuẩn, điều kiện và trong xét thăng hạng đối với người dự xét thăng hạng.