Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc (communications systems for expressways) là hệ thống các thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để thực hiện thông tin liên lạc giữa các bộ phận tham gia quản lý, vận hành đường cao tốc và với người tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Tại Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 12191:2018 quy định về nguyên tắc xây dựng hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc như sau:
- Hệ thống thông tin liên lạc trên đường cao tốc cần được thiết kế liên thông trong toàn hệ thống đảm bảo việc kết nối liên lạc nội bộ giữa Trung tâm Quản Lý Điều Hành Giao Thông (QLĐHGT) với các nhà trạm, khu dịch vụ và các phương tiện lưu động. Hệ thống phải cho phép từ một thiết bị đầu cuối bất kỳ trong hệ thống thực hiện cuộc gọi tới các số điện thoại bên ngoài qua mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN).
- Vùng phủ sóng của hệ thống thông tin vô tuyến lưu động mặt đất cần bao phủ toàn bộ các công trình đường cao tốc bao gồm Trung tâm QLĐHGT tuyến, khu vực trạm thu phí, khu dịch vụ, bãi đỗ xe và các khu vực khác dọc theo đường cao tốc.
- Hệ thống thông tin liên lạc cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:
+ Dung lượng đủ lớn phục vụ cho toàn bộ các công trình đường cao tốc, có tính dự phòng để bảo đảm mức độ sẵn sàng cao cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống và kết nối thông tin liên lạc ra bên ngoài.
+ Sử dụng công nghệ hiện đại, được thiết kế theo kiểu module, có cấu trúc gọn nhẹ, có khả năng đáp ứng việc thay đổi về tần số và công nghệ.
+ Có khả năng vận hành đơn giản.
+ Có tính ổn định cao, cung cấp khả năng tốt nhất về liên lạc thoại và dữ liệu, có khả năng liên lạc nhanh chóng, tức thời, thông suốt, không phụ thuộc vào mạng liên lạc công cộng nào khác.
+ Cần phải hoạt động với chất lượng tốt mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ loại nhiễu của bất kỳ hệ thống thông tin thiết bị nào khác.
+ Có tính bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin được truyền dẫn trên toàn hệ thống.
+ Có cấu hình dự phòng, đảm bảo thông tin liên lạc liên tục trong toàn hệ thống trong trường hợp xảy ra sự cố.
+ Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về tương thích điện từ theo các tiêu chuẩn hiện hành.
+ Đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn cháy nổ, được bảo vệ chống quá áp, chống sét đánh và sốc sét.
+ Có công cụ giám sát hoạt động của các thiết bị. Lỗi của các thiết bị sẽ được phát hiện và thông báo kịp thời qua hệ thống cảnh báo. Trong thời gian sửa chữa lỗi, cần có thiết bị dự phòng hoạt động tốt để không làm gián đoạn quá trình vận hành của hệ thống thông tin liên lạc.
+ Thiết bị của hệ thống thông tin liên lạc phải có độ bền cao, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành.
+ Tần số và thiết bị sử dụng cho hệ thống thông tin liên lạc phải được cấp phép theo quy định hiện hành.
+ Không gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thông tin khác trên đường cao tốc.
- Chức năng
Hệ thống điện thoại khẩn cấp được sử dụng với mục đích để tiếp nhận các thông báo về tai nạn, sự cố trên đường cao tốc từ các cá nhân và tổ chức, hoạt động 24/24 h. Khi cuộc gọi được thiết lập, nếu không có tín hiệu trả lời trong vòng 10 s thì một thông điệp sẽ được ghi lại, chỉ thị rằng cuộc gọi đã được tiếp nhận và sẽ được trả lời ngay lập tức.
Hệ thống điện thoại khẩn cấp có cấu thành thiết bị gồm hai phần:
+ Hệ thống biển báo chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp dọc đường và các bốt điện thoại khẩn cấp được bố trí dọc theo đường cao tốc. Các bốt điện thoại khẩn cấp không bắt buộc phải được trang bị lắp đặt trên các tuyến cao tốc.
+ Điện thoại tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp tại Trung tâm QLĐHGT tuyến để thu thập, xử lý thông tin đảm bảo khi có tai nạn, sự cố thì công tác cứu hộ sẽ được triển khai ngay lập tức và phối hợp thông tin nhanh chóng với các lực lượng tuần đường, cảnh sát giao thông và y tế.
Các biển chỉ dẫn số điện thoại khẩn cấp được lắp đặt hai bên tuyến đường cao tốc có kích thước và vị trí lắp đặt theo quy định về báo hiệu đường bộ trên đường cao tốc. Khoảng cách lắp đặt giữa các biển chỉ dẫn là 500 m. Thông tin chỉ dẫn trên biển báo phải có số điện thoại gọi khẩn cấp và lý trình đặt biển báo để người báo tin dễ dàng xác định vị trí trên đường cao tốc.
- Chế độ hoạt động
Hệ thống thông tin vô tuyến lưu động mặt đất được sử dụng với mục đích kết nối liên lạc cho các xe nghiệp vụ và các đối tượng di động trên đường cao tốc. Hệ thống thông tin vô tuyến lưu động mặt đất có cấu hình có thể bao gồm: Các thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động - máy bộ đàm, thiết bị lặp tín hiệu, trạm gốc thông tin liên lạc vô tuyến, bộ điều khiển trung tâm, và các thành phần thiết bị khác của hệ thống. Tùy thuộc vào khoảng cách cần liên lạc giữa các bộ phận chức năng được trang bị thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động trên đường cao tốc, hệ thống có thể được thiết kế hoạt động ở một trong các chế độ cơ bản sau:
+ Vận hành ở chế độ trực tiếp (DMO)
Chế độ trực tiếp cho phép liên lạc giữa các thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động mà không cần sử dụng đến cơ sở hạ tầng mạng. Khoảng cách liên lạc tối đa giữa hai thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động không quá 3 km, ở khu vực đô thị không quá 2 km. Ở chế độ trực tiếp, các thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động có thể hoạt động theo cấu hình điểm-điểm (cuộc gọi riêng lẻ giữa hai thiết bị đầu cuối), điểm- đa điểm (cuộc gọi nhóm giữa các thiết bị đầu cuối). Đối với liên lạc vô tuyến giữa các bộ phận chức năng có khoảng cách lớn hơn 2 km, cần sử dụng thiết bị lặp tín hiệu (có ăng ten lắp đặt ở vị trí trên cao). Thiết bị lặp ở chế độ trực tiếp (DM-REP) phát lại tín hiệu để cho phép liên lạc với khoảng cách xa hơn.
+ Vận hành ở chế độ trung kế (TMO)
Chế độ trung kế vô tuyến sử dụng trung kế số cho phép truyền đồng thời cả thoại và dữ liệu dựa trên cơ sở hạ tầng mạng, để tăng cự ly phủ sóng cho toàn bộ khu vực đường cao tốc và sử dụng kênh hiệu quả với một hệ thống nhiều kênh cho nhiều thiết bị đầu cuối vô tuyến lưu động.
…
(Theo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia TCVN 12191:2018)
Trân trọng!