Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định về công tác thi đua khen thưởng của Toà án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 11/6/2024.
Theo đó, các hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân từ ngày 11/6/2024 được quy định tại Điều 21 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC như sau:
- Các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, bao gồm:
+ Huân chương: “Huân chương Sao vàng”; “Huân chương Hồ Chí Minh”; “Huân chương Độc lập” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; “Huân chương Lao động” hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; “Huân chương Dũng cảm”; “Huân chương Hữu nghị”;
+ “Huy chương Hữu nghị”;
+ Danh hiệu vinh dự nhà nước: “Anh hùng Lao động”;
+ “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”;
+ “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.
- Các hình thức khen thưởng của Tòa án nhân dân, gồm:
+ Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án”;
+ “Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”;
+ “Giấy khen”;
+ Danh hiệu vinh dự Tòa án nhân dân: “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”.
Theo Điều 23 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định thì bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là để tặng cho cá nhân, tập thể lập được thành tích thường xuyên hoặc đột xuất.
Theo đó, để được trao tặng bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì cá nhân cần phải gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và phải đạt một trong các tiêu chuẩn dưới đây:
- Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
- Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc Tòa án nhân dân;
- Có 02 lần liên tục được khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị công nhận theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;
- Đối với Hòa giải viên: có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành xuất sắc công việc hòa giải, đối thoại; trong thời gian đó, đã được khen thưởng “Giấy khen”; được Chánh án Tòa án nhân dân cấp đề nghị khen xác nhận thành tích và thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi quản lý xác nhận nội dung chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật;
- Đối với Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân: có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành tốt công việc Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân; được Chánh án Tòa án nhân dân cấp đề nghị khen xác nhận thành tích và thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc chính quyền địa phương nơi quản lý xác nhận nội dung chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật.
Đối với tập thể, để được trao tặng bằng khen này thì tập thể phải gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, nội bộ đoàn kết.
Đồng thời phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
- Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua;
- Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất có phạm vi ảnh hưởng trong từng lĩnh vực thuộc Tòa án nhân dân;
- Có liên tục từ 02 năm trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được công nhận đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Quy định này cũng nêu rõ đối với trường hợp cá nhân, tập thể có thành tích nhưng đã dùng để xét khen thưởng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”; “Cờ thi đua” hoặc các hình thức khen thưởng khác thì không trao tặng bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho những cá nhân, tập thể này.
Đây là một trong những điểm mới của Thông tư 01/2024/TT-TANDTC khi so sánh với Thông tư 01/2018/TT-TANDTC quy định về công tác thi đua khen thưởng của Tòa án nhân dân (Có hiệu lực đến ngày 10/6/2024).
Xem thêm tại Thông tư 01/2024/TT-TANDTC, có hiệu lực từ ngày 11/6/2024.
Trân trọng!