03/08/2023 15:42

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã

Từ ngày 1/8/2023, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ tiền lương, xếp lương của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã được quy định như thế nào? Kim Thanh – Bắc Ninh.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn của công chức công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 33/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức cấp xã như sau:

Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, tiêu chuẩn của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã cụ thể:

- Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

- Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã. Trường hợp luật có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

2. Nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã

Theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Nghị định 33/2023/NĐ-CP, nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch như sau:

- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định việc soạn thảo, ban hành các văn bản theo quy định của pháp luật; giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của cơ quan cấp trên;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác thi hành án; theo dõi việc thi hành pháp luật và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn cấp xã trong việc tham gia xây dựng pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn hoạt động đối với tổ chức hòa giải cơ sở; phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong việc sơ kết, tổng kết công tác hòa giải ở cơ sở, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã; quản lý tủ sách pháp luật tại Ủy ban nhân dân cấp xã; phối hợp với công chức Văn hóa - xã hội hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định của pháp luật;

- Phụ trách lĩnh vực hộ tịch, công chứng, chứng thực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác phòng chống tham nhũng và các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực thanh tra;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và quy định của pháp luật có liên quan.

Như vậy, nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch chủ yếu là tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch, ban hành các văn bản…

3. Chế độ xếp lương đối với công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 33/2023/NĐ-CP về xếp lương đối với công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã như sau:

- Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định này được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Văn bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp bằng.

- Trường hợp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức cấp xã có thay đổi về trình độ đào tạo phù hợp với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm thì được đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xếp lương theo trình độ đào tạo mới kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp.

- Trường hợp người được bầu làm cán bộ cấp xã, được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã theo quy định tại Nghị định này mà đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính để làm căn cứ xếp lương (trừ thời gian tập sự, thử việc), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục thì được cộng dồn.

Như vậy, xếp lương công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã dựa trên văn bằng tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành…

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
12578

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn