02/12/2024 17:48

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng Viên chức lý lịch tư pháp hạng II lên hạng I mới nhất theo Thông tư 14/2024

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng Viên chức lý lịch tư pháp hạng II lên hạng I mới nhất theo Thông tư 14/2024

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung về mã số chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I và tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng theo Thông tư 14.

Mã số chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I là bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 13/2024/TT-BTP về mã số chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp như sau:

Mã số chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp

1. Viên chức lý lịch tư pháp hạng I - Mã số: V.01.01.01.

2. Viên chức lý lịch tư pháp hạng II - Mã số: V.01.01.02.

3. Viên chức lý lịch tư pháp hạng III - Mã số: V.01.01.03.

Như vậy, mã số chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I là V.01.01.01. 

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng Viên chức lý lịch tư pháp hạng II lên hạng I mới nhất theo Thông tư 14/2024

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2024/TT-BTP về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II lên hạng I như sau:

Viên chức được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I, mã số V.01.01.01 khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2024/TT-BTP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II – mã số V.01.01.02 tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

- Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng I – mã số V.01.01.01 quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP.

- Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II mã số V.01.01.02 từ đủ 06 năm trở lên.

Trường hợp thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II chưa đủ 06 năm trở lên nhưng người dự xét thăng hạng đã có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương thì có thể được xét thăng hạng nếu tổng thời gian giữ các chức danh này đủ 06 năm trở lên, trong đó, có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, chuyên viên chính và tương đương đã thực hiện một trong các nhiệm vụ được quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 5 Thông tư 13/2024/TT-BTP và có quyết định hoặc xác nhận bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, từ 15/01/2025, Viên chức lý lịch tư pháp xét thăng hạng II lên hạng I yêu cầu viên chức đáp ứng các tiêu chuẩn về chức danh, năng lực chuyên môn và thời gian công tác. đơn cử, người dự xét phải giữ chức danh nghề nghiệp hạng II đủ 06 năm, hoặc có tổng thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương đạt 06 năm, trong đó ít nhất 01 năm ở hạng II. 

Chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 Luật viên chức 2010 về chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức như sau:

- Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp những dịch vụ công mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu bảo đảm nhằm phục vụ nhân dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác mà khu vực ngoài công lập chưa có khả năng đáp ứng; bảo đảm cung cấp các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền núi, biên giới, hải đảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Chính phủ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo việc lập quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xác định lĩnh vực hạn chế và lĩnh vực cần tập trung ưu tiên phát triển, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động sự nghiệp. Không tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện dịch vụ kinh doanh, thu lợi nhuận.

- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập; tách chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Nguyễn Ngọc Trầm
15

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]