Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025.
Thông tư 14/2024/TT-BTP:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/tt-14-btp.pdf
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2024/TT-BTP về tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp bao gồm:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
- Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BTP.
- Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
- Được cấp có thẩm quyền cử tham dự xét thăng hạng.
Như vậy, từ ngày 15/01/2025, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp phải đáp ứng các điều kiện chung theo Thông tư 14. Cụ thể, viên chức cần tuân thủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP), đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo theo Thông tư 13/2024/TT-BTP, phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và được cấp thẩm quyền phê duyệt tham dự.
Theo Điều 5 Thông tư 14/2024/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III lên hạng II như sau:
Viên chức được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II, mã số V.01.01.02 khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2024/TT-BTP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
(1) Đang giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III – mã số V.01.01.03 tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
(2) Đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng II – mã số V.01.01.02 quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 13/2024/TT-BTP.
(3) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III mã số V.01.01.03 từ đủ 09 năm trở lên.
Trường hợp thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III chưa đủ 09 năm trở lên nhưng người dự xét thăng hạng đã có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương thì có thể được xét thăng hạng nếu tổng thời gian giữ các chức danh này đủ 09 năm trở lên, trong đó thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
Thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 14/2024/TT-BTP không bao gồm thời gian tập sự, thử việc.
(4) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức lý lịch tư pháp hạng III, chuyên viên và tương đương đã thực hiện một trong các nhiệm vụ được quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 6 Thông tư 13/2024/TT-BTP và có quyết định hoặc xác nhận bằng văn bản về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Viên chức 2010 về nghĩa vụ chung của viên chức như sau:
Nghĩa vụ chung của viên chức
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
Như vậy, Viên chức lý lịch tư pháp cần tuân thủ các nghĩa vụ chung bao gồm: chấp hành chính sách, pháp luật; sống lành mạnh, trung thực; tuân thủ kỷ luật và trách nhiệm nghề nghiệp; bảo vệ bí mật nhà nước, tài sản công và rèn luyện đạo đức, thực hiện quy tắc ứng xử.