17/12/2023 13:01

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là gì?

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là gì?

Tôi muốn hỏi rằng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là gì? Phải mất bao lâu thực hành tại bệnh viện mói được cấp chứng chỉ hành nghề? Anh Trần Nghĩa (Thanh Hóa).

Về câu hỏi trên, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên là gì?

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định về tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, qua đó tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên cụ thể như sau:

- Tận tụy phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Hiểu biết và thực hiện đúng quy tắc ứng xử của viên chức ngành y tế.

- Thực hành nghề nghiệp theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật.

- Không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

- Tôn trọng quyền của người bệnh, tôn trọng phụ nữ, quyền con người;

- Trung thực, khách quan, công bằng, trách nhiệm, đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong thực hành nghề nghiệp.

Điều dưỡng viên cần phải làm gì khi tiếp nhận người bệnh?

Đối với việc tiếp nhận người bệnh, điều dưỡng viên cần thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2021/TT-BYT cụ thể như sau:

- Tiếp nhận, phân loại, sàng lọc và cấp cứu ban đầu:

+ Tiếp nhận, phối hợp với bác sỹ trong phân loại, sàng lọc và cấp cứu người bệnh ban đầu;

+ Sắp xếp người bệnh khám bệnh theo thứ tự ưu tiên của tình trạng bệnh lý, của đối tượng (người cao tuổi, thương binh, phụ nữ có thai, trẻ em và các đối tượng chính sách khác) và theo thứ tự đến khám;

+ Hướng dẫn hoặc hỗ trợ người bệnh thực hiện khám bệnh và các kỹ thuật cận lâm sàng theo chỉ định của bác sỹ cho người bệnh đến khám bệnh;

+ Tiếp nhận, hỗ trợ các thủ tục và sắp xếp người bệnh vào điều trị nội trú.

- Nhận định lâm sàng:

+ Khám, nhận định tình trạng sức khỏe hiện tại và nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh;

+ Xác định các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh;

+ Xác định chẩn đoán điều dưỡng, ưu tiên các chẩn đoán điều dưỡng tác động trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh;

+ Phân cấp chăm sóc người bệnh trên cơ sở nhận định tình trạng sức khỏe người bệnh của điều dưỡng và đánh giá về mức độ nguy kịch, tiên lượng bệnh của bác sỹ để phối hợp với bác sỹ phân cấp chăm sóc người bệnh;

+ Dự báo các yếu tố ảnh hưởng và sự cố y khoa có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Ngoài việc tiếp nhận người bệnh, điều dưỡng viên còn cần phải xác định, thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng và phải đánh giá kết quả thực hiện các can thiệp chăm sóc điều dưỡng theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 31/2021/TT-BYT.

Điều dưỡng viên cần phải thực hành tại bệnh viện trong bao lâu mới được cấp chứng chỉ hành nghề?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 (văn bản hết hiệu lực vào ngày 01/01/2024 và được thay thế bởi Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023) quy định về việc xác nhận quá trình thực hành với nội dung như sau:

- Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

+ 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ;

+ 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;

+ 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên;

+ 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.

- Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, điều dưỡng viên cần phải thực hành trong thời gian ít nhất là 09 tháng thì mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề.

Đỗ Minh Hiếu
3217

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn