05/07/2024 10:52

Tiền thách cưới quá cao có trái với quy định pháp luật không?

Tiền thách cưới quá cao có trái với quy định pháp luật không?

Tiền thách cưới quá cao có trái với quy định pháp luật hay không? Nếu có thì hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Tiền thách cưới quá cao có trái với quy định pháp luật không?

Thách cưới là một nghi thức truyền thống lâu đời trong văn hóa cưới hỏi của người Việt. Theo phong tục, nhà gái sẽ đưa ra danh sách lễ vật mà nhà trai cần chuẩn bị để thể hiện lòng thành kính và sự trân trọng dành cho cô dâu và gia đình nhà gái.

Lễ vật thách cưới thường bao gồm trầu rượu, cau, trà, bánh trái, gạo, heo, đồ trang sức, y phục cho cô dâu, tiền mặt, .... Đây không chỉ là những vật phẩm mang tính biểu tượng mà còn thể hiện sự chu đáo, quan tâm của nhà trai đối với cuộc sống hôn nhân của con trai họ.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tục thách cưới đang dần bị biến tướng, với việc nhà gái đưa ra tiền thách cưới quá cao. Đây có thể bị coi là một trong các biểu hiện của hành vi yêu sách của cải trong kết hôn.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.

Cũng tại Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định rằng thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới là một trong những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng.

Vì vậy cho nên nếu nhà gái đưa ra tiền thách cưới quá cao mang tính chất gả bán nhằm mục đích cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam nữ thì hành vi này được xem là hành vi trái với quy định pháp luật.

Tiền thách cưới quá cao bị xử lý như thế nào?

Nếu có hành vi đưa ra tiền thách cưới quá cao mang tính chất gả bán nhằm mục đích cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì người có hành vi đưa ra tiền thách cưới quá cao nhằm mục đích cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng khác cũng sẽ bị phạt theo mức phạt tương ứng với số tiền này, cụ thể là những hành vi:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Về hình sự, tại Điều 181 Bộ luật hình sự 2015 có quy định rằng: "Người nào có hành vi cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm".

Theo đó, nếu có hành vi đưa ra tiền thách cưới quá cao nhằm cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì người vi phạm rất có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bằng hình thức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
587

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]