Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo Hướng dẫn sử dụng kháng sinh ban hành kèm theo Quyết định 708/QĐ-BYT định nghĩa về kháng sinh như sau:
Kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh lý nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.
Sự lan tràn các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Sự xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh. Việc hạn chế sự phát sinh của vi khuẩn kháng kháng sinh là nhiệm vụ không chỉ của ngành Y tế mà của cả cộng đồng nhằm bảo vệ nhóm thuốc này.
Kháng sinh được định nghĩa:
“Kháng sinh (antibiotics) là những chất kháng khuẩn (antibacterial substances) được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, Actinomycetes), có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.
Hiện nay từ kháng sinh được mở rộng đến cả những chất kháng khuẩn có nguồn gốc tổng hợp như các sulfonamid và quinolon.
Để bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, cần nắm vững những kiến thức liên quan đến kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh và người bệnh.
Các nhóm kháng sinh được sắp xếp theo cấu trúc hóa học. Theo cách phân loại này, kháng sinh được chia thành các nhóm như sau:
TT | Tên nhóm | Phân nhóm |
1 | Beta-lactam | Các penicilin |
Các cephalosporin | ||
Các beta-lactam khác Carbapenem Monobactam | ||
Các chất ức chế beta-lactamase | ||
2 | Aminoglycosid | |
3 | Macrolid | |
4 | Lincosamid | |
5 | Phenicol | |
6 | Tetracyclin | Thế hệ 1 |
Thế hệ 2 | ||
7 | Peptid | Glycopeptid |
Polypetid | ||
Lipopeptid | ||
8 | Quinolon | Thế hệ 1 |
Các fluoroquinolon: Thế hệ 2, 3, 4 | ||
9 | Các nhóm kháng sinh khác | |
Sulfonamid | ||
Oxazolidinon | ||
5-nitroimidazol |
Phân loại kháng sinh theo cấu trúc hóa học
Thuốc kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh là một công cụ điều trị vi khuẩn hữu hiệu khi được dùng một cách thận trọng và an toàn.
Thuốc kháng sinh thường được bác sĩ chỉ định dùng để điều trị các bệnh lý viêm nhiễm gây ra bởi vi khuẩn:
- Bệnh viêm xoang, viêm tai giữa,... do vi khuẩn
- Viêm màng não
- Nhiễm khuẩn răng
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Nhiễm khuẩn da, mô mềm
- Nhiễm khuẩn huyết
(1) Định nghĩa
- Nhọt (Furuncle) là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh.
- Bệnh thường gặp về mùa hè, nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên bệnh thường gặp hơn ở trẻ em.
(2) Nguyên nhân
- Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (S. aureus). Bình thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi má, rãnh liên mông… hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi. Khi các nang lông bị tổn thương kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, người bệnh mắc bệnh tiểu đường… vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
(3) Triệu chứng
a) Lâm sàng
- Biểu hiện ban đầu là sẩn nhỏ, màu đỏ ở nang lông sưng nề, chắc, tấy đỏ. Sau 2 ngày đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp nhất là ở các vị trí mũi, vành tai, đôi khi làm cho trẻ quấy khóc nhiều. Vị trí thường gặp là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân, tay. Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm khuẩn.
- Bệnh có thể khỏi nhưng có thể kéo dài thành nhiều đợt liên tiếp.
- Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp nhất là ở những người bệnh suy dinh dưỡng. Nhọt ở vùng môi trên, má có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch xoang hang và nhiễm khuẩn huyết nặng.
- Nhọt cụm còn gọi là nhọt bầy hay hậu bối là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở da gồm một số nhọt xếp thành đám. Bệnh thường gặp ở những người bị suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen phế quản, lao phổi.
- Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Ở giai đoạn sớm cần chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông, Herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ.
b) Cận lâm sàng
- Tăng bạch cầu trong máu ngoại vi.
- Máu lắng tăng.
- Procalcitonin có thể tăng, nhất là ở những người bệnh có nhiều tổn thương.
- Xét nghiệm mô bệnh học: Ổ áp xe ở nang lông, cấu trúc nang lông bị phá vỡ, giữa là tổ chức hoại tử, xung quanh thâm nhập nhiều các tế bào viêm chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính.
- Nuôi cấy mủ có tụ cầu vàng phát triển.
(4) Điều trị kháng sinh
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác bằng xà phòng Lifebuoy, Septivon…
- Ở giai đoạn sớm chưa có mủ: Tránh nặn, kích thích vào tổn thương.
- Giai đoạn có mủ cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch tổn thương.
- Cần kết hợp điều trị tại chỗ và kháng sinh toàn thân.
- Dung dịch sát khuẩn: Sát khuẩn ngày 2- 4 lần trong thời gian 10 - 15 ngày. Có thể dùng một trong các dung dịch sát khuẩn sau:
+ Povidon-iodin 10%.
+ Hexamidin 0,1%.
+ Chlorhexidin 4%.
- Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7-10 ngày. Dùng một trong các thuốc sau:
+ Kem hoặc mỡ acid fucidic 2%, bôi 1- 2 lần ngày.
+ Mỡ Neomycin, bôi 2- 3 lần/ngày.
+ Kem Silver sulfadiazin 1%, bôi 1-2 lần/ngày.
+ Mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày.
+ Erythromycin 1-2 lần/ngày.
+ Clindamycin 1-2 lần/ngày.
- Kháng sinh toàn thân bằng một trong các kháng sinh sau:
+ Penicilin M (cloxacilin) 2g/ngày.
+ Amoxicilin-clavulanat.
Trẻ em 80 mg/kg/ngày chia 3 lần.
Người lớn 1,5-2 g/ngày chia 2 lần.
+ Roxithromycin viên 150mg:
Trẻ em 5-8 mg/kg/ngày chia 2 lần.
Người lớn 2 viên/ngày chia 2 lần.
+ Azithromycin 500 mg ngày đầu tiên, sau đó 250 mg/ngày x 4 ngày.
+ Pristinamycin:
Trẻ em 50 mg/kg/ngày, chia 2 lần.
Người lớn 2-3 g/ngày, chia 2 lần.
+ Acid fucidic viên 250 mg.
Trẻ em liều 30-50 mg/kg/ngày, chia 2 lần.
Người lớn 1-1,5 g/ngày, chia 2 lần.
+ Thời gian điều trị từ 7 - 10 ngày.
(5) Phòng bệnh
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: cắt móng tay, rửa tay hàng ngày.
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da.
- Nâng cao thể trạng.
(1) Đại cương
- Tiêu chảy do vi khuẩn là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: sốt, nôn, đau bụng, và tiêu chảy nhiều lần/ngày.
- Trường hợp tiêu chảy nặng có thể gây mất nước hoặc nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, dẫn tới tử vong, đặc biệt ở trẻ em và người già.
(2) Căn nguyên thường gặp
- Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E. coli, Clostridium difficile, tụ cầu.
- Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia…
(3) Chẩn đoán
Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm.
a) Lâm sàng: Biểu hiện đa dạng tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh.
- Nôn và buồn nôn.
- Tiêu chảy nhiều lần, tính chất phân phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh:
+ Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân.
+ Tiêu chảy do vi khuẩn xâm nhập: Phân thường có nhầy, đôi khi có máu.
- Biểu hiện toàn thân:
+ Có thể sốt hoặc không sốt.
+ Tình trạng nhiễm độc: Mệt mỏi, nhức đầu, có thể có hạ huyết áp.
+ Tình trạng mất nước.
b) Lâm sàng một số căn nguyên thường gặp:
- Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn (hội chứng lỵ): Sốt cao, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhầy máu.
- Tiêu chảy do tả: Khởi phát rất nhanh trong vòng 24 giờ, tiêu chảy dữ dội và liên tục 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo, không sốt, không mót rặn, không đau quặn bụng.
- Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: Thời gian ủ bệnh ngắn 1-6 giờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều nước nhưng không sốt.
- Tiêu chảy do E. coli:
+ Tiêu chảy do E. coli sinh độc tố ruột (ETEC): đi ngoài phân lỏng không nhầy máu, không sốt. Bệnh thường tự khỏi.
+ Tiêu chảy do E. coli (EIEC, EPEC, EHEC): sốt, đau quặn bụng, mót rặn, phân lỏng có thể lẫn nhầy máu (hội chứng lỵ).
- Tiêu chảy do Salmonella: Tiêu chảy, sốt cao, nôn và đau bụng.
c) Xét nghiệm:
- Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng hay giảm tùy căn nguyên.
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Đánh giá rối loạn điện giải, suy thận kèm theo.
- Xét nghiệm phân:
+ Soi phân: Tìm xem có hồng cầu, bạch cầu, các đơn bào ký sinh, nấm, trứng ký sinh trùng...
+ Cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.
(4) Điều trị
4.1. Nguyên tắc:
- Điều trị kháng sinh tùy căn nguyên. Cần dự đoán căn nguyên và điều trị ngay. Điều chỉnh lại kháng sinh nếu cần sau khi có kết quả cấy phân.
- Đánh giá tình trạng mất nước và bồi phụ nước điện giải.
- Điều trị triệu chứng.
4.2. Sử dụng kháng sinh trong tiêu chảy nhiễm khuẩn do một số căn nguyên thường gặp:
- Kháng sinh thường hiệu quả trong trường hợp tiêu chảy xâm nhập.
- Thường dùng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường truyền chỉ dùng trong trường hợp nặng có nhiễm khuẩn toàn thân.
- Liều dùng kháng sinh ở đây chủ yếu áp dụng cho người lớn. Đối với trẻ em, tham khảo thêm “Hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em” (Bộ Y tế 2009).
a) Tiêu chảy do E. coli (ETEC, EHEC), Campylobacter, Yersinia, Salmonella, Vibrio spp.
- Thuốc ưu tiên: kháng sinh nhóm quinolon (uống hoặc truyền) x 5 ngày (người >12 tuổi):
+ Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
+ hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
- Thuốc thay thế:
+ Ceftriaxon đường tĩnh mạch (TM) 50-100 mg/kg/ngày x 5 ngày.
+ TMP-SMX 0,96g x 2 lần/ngày x 5 ngày.
+ Doxycyclin 100 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
b) Tiêu chảy do Clostridium difficile
- Thuốc ưu tiên: Metronidazol 250 mg (uống) mỗi 6 giờ x 7-10 ngày.
- Thuốc thay thế: Vancomycin 250 mg (uống) mỗi 6 giờ x 7-10 ngày.
c) Tiêu chảy do Shigella (lỵ trực khuẩn)
- Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền TM) x 5 ngày (người >12 tuổi):
+ Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
+ Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
- Thuốc thay thế:
+ Ceftriaxon (TM) 50-100 mg/kg/ngày x 5 ngày.
+ Hoặc azithromycin (uống) 0,5 g/ngày x 3 ngày (ưu tiên cho phụ nữ có thai) hoặc azithromycin (uống) 10 mg/kg/ngày x 3 ngày (cho trẻ em <12 tuổi).
d) Tiêu chảy do thương hàn (Salmonella typhi, paratyphi)
- Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền) x 10-14 ngày (người lớn >12 tuổi):
+ Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
+ Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
- Thuốc thay thế: Ceftriaxon (TM) 50-100 mg/kg/lần x 1 lần/ngày x 10-14 ngày.
e) Tiêu chảy do vi khuẩn tả
- Hiện nay vi khuẩn tả đã kháng lại các kháng sinh thông thường, thuốc được lựa chọn hiện nay là:
- Nhóm Quinolon (uống) x 3 ngày (người >12 tuổi):
+ Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.
+ Hoặc norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.
Hoặc azithromycin (uống) 0,5 g/ngày x 3 ngày (ưu tiên cho phụ nữ có thai) hoặc azithromycin (uống) 10 mg/kg/ngày x 3 ngày (cho trẻ em <12 tuổi)
- Thuốc thay thế:
+ Erythromycin 1g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày), dùng trong 3 ngày.
+ Hoặc doxycyclin 300 mg liều duy nhất (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).
4.3. Điều trị triệu chứng
a) Đánh giá và xử trí tình trạng mất nước
- Phải đánh giá ngay và kịp thời xử trí tình trạng mất nước khi người bệnh đến viện và song song với việc tìm căn nguyên gây bệnh.
+ Người bệnh mất nước độ I, uống được: bù dịch bằng đường uống, dùng dung dịch ORESOL.
+ Người bệnh mất nước từ độ II trở lên, không uống được: bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Dung dịch được lựa chọn: Ringer Lactat hoặc Ringer Acetat. Ngoài ra: NaCl 0,9%, Glucose 5% với tỷ lệ 1:1.
b) Điều trị hỗ trợ
- Giảm co thắt: Spasmaverin.
- Làm săn niêm mạc ruột: dioctahedral smectit
- Không lạm dụng các thuốc cầm tiêu chảy như loperamid.
(5) Phòng bệnh
- Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Ăn chín, uống nước đã đun sôi.
+ Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
+ Cải thiện hệ thống cấp thoát nước.
- Điều trị dự phòng khi ở trong vùng có dịch.
(Theo Hướng dẫn sử dụng kháng sinh ban hành kèm theo Quyết định 708/QĐ-BYT)
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Trân trọng!