Tóm tắt nội dung vụ án: Nguồn gốc diện tích 360m2 đất ao tại thôn Mai Thượng, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh BG là của cụ Hoàng Văn S mua của cụ Đặng Văn C vào năm 1938, thể hiện bằng “Văn tự bán ao”, có chữ ký và đóng dấu xác nhận của Lý trưởng và Chưởng bạ. Cụ Hoàng Văn S và vợ là cụ Nguyễn Thị C có 10 người con, trong đó có 04 người con trai là ông Hoàng Văn C; ông Hoàng Văn T; ông Hoàng Văn K; ông Hoàng Văn M và 06 người con gái.
Anh Hoàng Văn L (con trai của ông Hoàng Văn T) trình bày: Năm 1976, cụ S chết có để lại toàn bộ diện tích ao trên cho ông Hoàng Văn T (cho bằng miệng và đưa ông T giữ Văn tự bán ao giữa cụ S và cụ C). Từ trước đến nay diện tích ao này vẫn do gia đình anh quản lý, sử dụng. Ông T có đóng thuế đất tại Sổ thuế địa phương năm 2007, có xác nhận của Trưởng thôn, nhưng gia đình anh không đăng ký trong sổ địa chính, không đề nghị Ủy ban nhân dân xã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Hoàng Văn M (chú ruột anh) không có thời gian nào quản lý, sử dụng diện tích ao này. Do đó, diện tích ao này thuộc quyền quản lý sử dụng của gia đình anh.
Ngày 26-3-2012, gia đình anh L san lấp ao để xây dựng nhà xưởng thì xảy ra tranh chấp với ông M.
Ngày 27-3-2012, ông M có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất ao, lý do: diện tích ao trên là của gia đình ông nhận đất kinh tế phụ, gia đình ông sử dụng ổn định từ năm 1988 đến nay, anh L không có quyền quản lý sử dụng.
Ngày 18-10-2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND, nội dung: “Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện HH chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã MĐ lập hồ sơ xử lý đối với hành vi lấp ao, làm nhà trên đất ao của gia đình ông Hoàng Văn L theo quy định của pháp luật; công nhận diện tích ao đang xảy ra tranh chấp tại khu cửa miếu cho hộ ông Hoàng Văn M theo quy định của pháp luật”.
Ngày 12-4-2014, anh L có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định 1615/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG.
Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trình bày:
Nguồn gốc đất ao là của cụ S mua của cụ C vào năm 1938. Năm 1988, Nhà nước đã quản lý diện tích đất trên và chia cho hộ gia đình theo hình thức quy đổi đất kinh tế nên gia đình ông M (08 khẩu) đã được giao 360m2 đất ao tại thôn MT, xã MĐ, huyện HH, tỉnh BG. Tại Sổ thu thuế đất nông nghiệp năm 1995 thể hiện: diện tích ao trên do gia đình ông M đóng thuế là 2,6 kg thóc. Gia đình ông M sử dụng ổn định từ năm 1988 đến năm 2012 thì xảy ra tranh chấp. Do đó, có cơ sở xác định diện tích đất ao này là của gia đình ông M.
Các quan điểm về việc giải quyết vụ án:
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L, cụ thể là:
Quan điểm thứ nhất (xác định đất tranh chấp đã có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất):
Nguồn gốc diện tích 360m2 đất ao là của cụ S mua của cụ C năm 1938, có chữ ký và đóng dấu xác nhận của Lý trưởng và Chưởng bạ. Trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện cụ S đã tặng cho hay chuyển nhượng diện tích đất này cho ông Hoàng Văn M hay anh Hoàng Văn L. Tuy nhiên, năm 1995 hộ gia đình ông M có đóng thuế sử dụng đất là 2,6kg thóc và năm 2007 anh L cũng có tên trong Sổ thuế xã MĐ, huyện HH, tỉnh BG. Khi gia đình anh L đổ đất lấp ao và làm nhà trên diện tích đất ao nêu trên đã xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông M và anh L và ngày 18/10/2013 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông M và anh L.
Như vậy, tại thời điểm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG ban hành Quyết định 1615 thì diện tích đất nêu trên có “Văn tự bán ao” có chữ ký và đóng dấu xác nhận của Lý trưởng và Chưởng bạ, là một trong các loại giấy tờ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Tại khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Theo quy định trên thì tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Do đó, việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện HH ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L là không đúng thẩm quyền.
Quan điểm thứ hai (xác định thuộc trường hợp tranh chấp đất mà trên đất có tài sản; chứ không xem xét đất tranh chấp đã có giấy tờ chế độ cũ như quan điểm thứ nhất):
Thực tế, trên diện tích đất ao đang tranh chấp có tài sản là nhà xưởng do gia đình anh L xây dựng.
Do tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông M và anh L (trên đất có tài sản) nên theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện HH ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L là không đúng thẩm quyền.
Quan điểm thứ ba:
Mặc dù, anh L có cung cấp “Văn tự bán ao” năm 1938 giữa cụ S và cụ C, có xác nhận của Lý trưởng và Chưởng bạ, nhưng Văn tự mang tên cụ S, chứ không mang tên anh L. Do đó, việc anh L đổ đất, xây dựng nhà xưởng trên diện tích ao này nhưng anh L không có giấy tờ chế độ cũ mang tên anh nên không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Ngoài ra, giữa ông M và anh L chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất chứ không tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 thì tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Do đó, UBND huyện HH ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L là đúng thẩm quyền.
Tác giả đồng tình quan điểm quan điểm thứ ba, vì những lý do sau:
Năm 1938, cụ C viết “Văn tự bán ao” bán cho cụ S diện tích 360m2 đất ao tại thôn MT, xã MĐ, huyện HH, tỉnh BG, có xác nhận của Lý trưởng và Chưởng bạ. Trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu nào thể hiện việc cụ S đã tặng cho hay chuyển nhượng diện tích đất ao này cho ông Hoàng Văn M hay anh Hoàng Văn L.
Tại điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 quy định:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
… e, Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
Hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Trong trường hợp này, ông M và anh L là các bên tranh chấp quyền sử dụng đất đều không có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp theo quy định tại điểm e khoản 1, khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Vì vậy, quan điểm thứ nhất cho rằng diện tích 360m2 đất ao đang có tranh chấp giữa ông M và anh L đã có giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất là không đúng.
Năm 1995, gia đình ông M có đóng thuế sử dụng đất là 2,6 kg thóc và năm 2007 ông L có tên trong Sổ bộ thuế xã MĐ, huyện HH, tỉnh BG. Năm 2012, khi gia đình anh L đổ cát, lấp ao và làm nhà trên diện tích đất ao này đã xảy ra tranh chấp đất đai giữa ông M và anh L.
Ngày 18-10-2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG đã ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông M và anh L.
Tại khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.
Thực tế, trên thửa đất tranh chấp có nhà xưởng nhưng các bên đương sự chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất (mà không tranh chấp về tài sản gắn liền với đất theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003). Do đó, tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân. Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BG ban hành Quyết định số 1615/QĐ-UBND về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông M và ông L là đúng thẩm quyền.
Như vậy, quan điểm thứ hai cho rằng đây là tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân là không đúng.
Trên đây là các quan điểm về việc áp dụng khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án