09/10/2021 14:47

Thực tiễn và vướng mắc trong việc xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến việc tạm giữ người tại Tòa án nhân dân

Thực tiễn và vướng mắc trong việc xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến việc tạm giữ người tại Tòa án nhân dân

Quy định về tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự và theo thủ tục hành chính hiện nay có những bất cập. Thực tiễn công tác thụ lý, xét xử các vụ án hình sự khi có thời gian bị tạm giữ tại Tòa án các cấp cho thấy còn có nhiều quan điểm khác nhau, chúng tôi xin nêu một số quan điểm của mình về vấn đề này qua thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân.

1.Quy định của pháp luật

Tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã (khoản 1 Điều 117 Bộ luật tố tụng dân sự).

BLTTHS năm 2015 cũng quy định về trình tự, thủ tục của quá trình tạm giữ trong các hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi phát hiện các hành vi vi phạm phạm pháp luật, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Tại Chương VII Bộ luật hình sự về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có Điều 110 quy định về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, đối với việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, đây là một trong những biện pháp ngăn chặn hành chính và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính do người có thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. (Đây là điểm mới so với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Theo quy định tại Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020, thì: Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 122 này thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng. Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Trong trường hợp tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính vào ban đêm hoặc giữ trên 06 giờ, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho cha mẹ hoặc người giám hộ của họ biết..... Nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.

Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015, thì: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng… Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng có quyền tạm giữ nếu có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Những người có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính bao gồm người đứng đầu của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp những người nêu trên vắng mặt thì cấp Phó được uỷ quyền có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với các trường hợp tạm giữ người sau đây thì không được giao quyền cho cấp phó, gồm: Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020, thì những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Trưởng Công an phường, Trưởng Công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân; Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng trạm Công an cửa khẩu… và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Đối với việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính, thông thường phải người đứng đầu của các cơ quan theo quy định của pháp luật hoặc người là cấp phó nhưng được cấp Trưởng giao quyền thực hiện thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính khi vắng mặt. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

Thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Tring trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày (Điều 118 BTTHS). Còn đối với tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm (Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020).

Quy định nêu trên được hiểu, tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục hành chính có những điểm khác nhau cơ bản về đối tượng, mục đích, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn tạm giữ người. Việc kéo dài, gia thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính không cần phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành, còn trường hợp gia hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn, trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Thời hạn tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự được trừ vào thời hạn tạm giam, cứ một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Nếu sau đó người đã bị tạm giữ bị kết án và phạt tù có thời hạn, thì thời hạn tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

2. Bất cập trong quy định

Mặc dù, BLTTHS năm 2015 sửa đổi năm 2017, BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 và các Văn bản hướng dẫn của đã quy định, hướng dẫn tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc ban hành “Bản án” có trừ vào thời gian tạm giữ người khi xét xử các vụ án hình sự nhất là các việc tạm giữ người trong tố tụng hình sự không có Lệnh, Quyết định tạm giữ nhưng trên thực tế là những bị can, bị cáo này bị các Cơ quan tố tụng hình sự giữ người hoặc các trường hợp các cơ quan tạm giữ người theo thủ tục hành chính, trên đây là một vụ việc cụ thể.

Siu H và R.Lan H’Nh có quan hệ là dượng cháu, cùng trú tại làng T, xã K, huyện C, tỉnh G. Trong thời gian đầu tháng 6/2019 đến ngày 05/9/2019 H đã 5 lần thực hiện hành vi hiếp dâm và 5 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu Nh. Bản cáo trạng truy tố bị cáo Siu H về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 142 và điểm a khoản 2 Điều 145 BLHS năm 2015.

Trong thời gian chuẩn bị đưa vụ án trên ra xét xử sơ thẩm, hiện nay có 03 quan điểm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án thụ lý và khi xét xử thì thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính và theo tố tụng hình sự vẫn được tính vào thời hạn tạm giữ, giam và cũng được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Bởi lẽ, tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự quy định: “ ... Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù” và tại khoản 4 Điều 118 BTTHS quy định “Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”. Mặc dù điều luật, không nói rõ là tạm giữ theo thủ tục hành chính hay tố tụng hình sự, nhưng vẫn áp dụng cho bị cáo khi phạm tội.

Tại khoản 2 Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 quy định về chuyển hồ sơ của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự:

“1. Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm của người đó có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

2. Đối với trường hợp đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm của người bị áp dụng biện pháp này có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án nhân dân đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì thời hạn đối tượng đã chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính bằng 01 ngày chấp hành hình phạt tù.”

Quan điểm thứ hai cho rằng: Khi thụ lý và khi xét xử thì thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính và theo thủ tục tố tụng hình sự như trong trường hợp trên thì không được tính vào thời hạn tạm giữ, giam của bị cáo và không được trừ vào thời gian chấp hành án. Vì, BLHS, BLTTHS và Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định nên khi xét xử và ban hành bản án Tòa án không tính cho bị cáo được hưởng. Trừ trường hợp bị áp dụng quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Trong trường hợp nếu Tòa án thụ lý và khi xét xử, theo đó thời hạn tạm giữ theo thủ tục hành chính hay tố tụng hình sự được tính vào thời hạn tạm giữ và được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, kể cả việc tạm giữ theo thủ tục hành chính hoặc tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự không có Lệnh của cơ quan có thẩm quyền do chưa đủ thời gian tạm giữ 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Khoản 4 Điều 117 BLTTHS. Bởi, thực tế việc cá nhân bị tạm giữ theo thủ tục hành chính hay thủ tục tố tụng hình sự mặc dù không có lệnh, quyết định tạm giữ của người có thẩm quyền nhưng đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do và các quyền khác của họ, nên theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, họ vẫn được tính .

Nghĩa là đã tạm giữ người trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chuyển hồ sơ từ vi phạm hành chính sang tố tụng hình sự thì điều được tính vào thời hạn tạm giam và được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt.

3. Vướng mắc và kiến nghị

Qua nghiên cứu các quy định của BLTTHS năm 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020 về tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự cũng như tạm giữ người theo thủ tục hành chính tác giả nhận thấy quy định này còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần phải được hoàn thiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Theo quy định tại khoản 4 Điều 117 BTTHS quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Quy định như trên chưa hợp lý.

Trường hợp 1: Nếu người bị tạm giữ bị cơ quan điều tra tạm giữ nhưng chưa đến thời gian 12 giờ thì người có thẩm quyền tạm giữ không phải ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ nhưng phải ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ. Do không có quyết định, Lệnh tạm giữ vì vậy trong trường hợp nếu người bị tạm giữ bị khởi tố, truy tố thì thời hạn tạm giữ này không được tính vào thời hạn tạm giữ, giam của bị cáo và không được trừ vào thời gian chấp hành án.

Trường hợp 2: Nếu người bị tạm giữ bị cơ quan điều tra tạm giữ thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người có thẩm quyền tạm giữ phải ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì người bị tạm giữ nhận được quyết định trả tự do. Trong thực tế thì trường hợp Quyết định trả tự do đã được ký ban hành, nhưng vì một lý do nào đó người bị tạm giữ không nhận được kịp thời trên có thể kéo dài thời gian quá thời gian 12 giờ kể từ khi bị tạm giữ.

Trường hợp 3: Nếu người bị tạm giữ trong trong thời hạn 12 giờ thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ, đến 16 giờ cùng ngày xét tính chất hành vi có dấu hiệu tội phạm ít nghiêm trọng, là phụ nữ đang mang thai… nên được người có thẩm quyền ra quyết định trả tự do ngay cho người đó. Như vậy, đối với người bị tạm giữ thuộc trường hợp 1 và 2 sẽ là thiệt thòi cho họ.

Vì vậy, theo quan điểm của tác giả mọi hình thức tạm giữ dù là theo thủ tục hành chính hoặc theo thủ tục tố tụng hình sự thì người có thẩm quyền cần ban hành quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ. Chính điều đó đảm bảo tính công bằng trong việc tạm giữ, giam. Trong trường hợp nếu người bị tạm giữ bị khởi tố, truy tố thì thời hạn tạm giữ này cũng được tính vào thời hạn tạm giữ, giam của bị cáo và được trừ vào thời gian chấp hành án. Chúng ta cũng cần hiểu rằng tại khoản 1 Điều 38 BLHS quy định: “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù” và tại khoản 4 Điều 118 BTTHS quy định “Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”. Bởi lẽ, người có thẩm quyền tạm giữ theo thủ tục hành chính (Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tạm giữ theo thủ tục hình sự (Điều 110 BLTTHS) có những nét tương đồng nhau. Mặc khác, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì thời gian người tạm giữ theo thủ tục hành chính (trong trường hợp vi phạm bị khởi tố, truy tố và xét xử) hoặc theo thủ tố tụng hình sự vẫn được tính là 01 ngày tù.

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020, quy định về chuyển hồ sơ của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có dấu hiệu tội phạm: “ ... Trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì thời hạn đối tượng đã chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù; 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính bằng 01 ngày chấp hành hình phạt tù.”

Tuy nhiên, Luật lại không nói về trường hợp tạm giữ người đối với các trường hợp khác có được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù hay không.

Ví dụ, như tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định: “...Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm”.

Mặc khác, quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định: “..... 1,5 ngày chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính bằng 01 ngày chấp hành hình phạt tù”, cũng không hợp lý. Câu hỏi đặt ra tại sao chúng ta không tính thời gian tạm giữ theo thủ tục hành chính với tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự giống nhau. Vì khi một người bị người có thẩm quyền ban hành quyết định, lệnh tạm giữ theo thủ tục nào đi chăng nữa thì về cơ bản đã làm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền tự do và các quyền khác do của người đó.

Nếu được hiểu theo ý thứ nhất quy định khoản 1 Điều 38 BLHS và tại khoản 4 Điều 118 BTTHS thì: “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù” thì thời hạn đối tượng đã chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như thời gian trước đó người này bị người có thẩm quyền ban hành quyết định tạm giữ theo thủ tục hành chính thì có được xem như là tạm giữ theo thủ tục hành chính hay không.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020, thì để xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 122 thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính “... Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng” và theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015, giữ người trong trường hợp khẩn cấp: “2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: …..c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng” thì việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 BTTHS.

Theo quy định này, khi bắt giữ người vi phạm thì người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp sẽ gặp khó khăn khi phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền cấp Xã nơi tiến hành bắt người. Vì vậy, nên chăng khi thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp của người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển rời khỏi sân bay, bến cảng “có sự chứng kiến của những người có mặt trên tàu bay, tàu biển” đó là đủ cơ sở pháp lý.

Với mong muốn để thực tiễn thụ lý, xét xử được thống nhất trong việc áp dụng pháp luật hình sự, rất mong các cơ quan tố tụng ở Trung ương hướng dẫn về việc tạm giữ người theo thủ tục tố tụng hình sự cũng như tạm giữ người theo thủ tục hành chính và việc lập biên bản bắt giữ người để các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan Tòa án khi xét xử có quyết định thống nhất trong toàn hệ thống Tòa án.

HÀ VIẾT TOÀN – LÊ THỊ NGA (Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

3974

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]