Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Một trong những yêu cầu của nhà nước pháp quyền là phải xây dựng cho được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ và đồng bộ bảo vệ quyền con người. Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) cũng cần đáp ứng yêu cầu đó. Bởi lẽ, TTHS là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của nhà nước, ở đó, xuất hiện quan hệ bất bình đẳng giữa một bên là các cơ quan tiến hành tố tụng với sự hậu thuẫn của quyền lực nhà nước và bên kia yếu thế hơn là những người bị buộc tội. Cũng từ đó, nguy cơ xâm phạm đến quyền con người là cao nhất và hậu quả cũng nặng nề nhất và đòi hỏi bảo vệ quyền con người trong TTHS cũng là yêu cầu bức thiết nhất.
Pháp luật tố tụng hình sự đáp ứng các đòi hỏi của nhà nước pháp quyền, trước hết thể hiện ở chỗ hệ thống nguyên tắc của nó với tư cách là những quan điểm chỉ đạo làm nền tảng và xuyên suốt các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động tố tụng hình sự cần được thể hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ. Các nguyên tắc đó một mặt cần ghi nhận những giá trị chung của nhân loại mặt khác cần có sự cụ thể hóa trong kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trong hệ thống các nguyên tắc của TTHS , nguyên tắc suy đoán vô tội đóng vai trò hết sức quan trọng và đây được thừa nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản và là trụ cột chính kiến tạo nên hệ thống pháp luật TTHS của các nhà nước văn minh. Suy đoán vô tội cũng là một trong những nội dung của nguyên tắc (quyền) xét xử công bằng (right to a fair trial) theo tiêu chuẩn quốc tế. TTHS Việt Nam cũng đã ghi nhận và thể hiện nguyên tắc này. Suy đoán vô tội có thể được tiếp cận từ phương diện là sự thể hiện của quyền con người trong lĩnh vực TTHS mà nhà nước phải ghi nhận, bảo đảm thực hiện và bảo vệ. Suy đoán vô tội từ phương diện là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa làm nền tảng, chỉ đạo và xuyên suốt quá trình TTHS từ lập pháp đến thực tiễn thực hiện trong đó chủ yếu tập trung vào đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này trong TTHS Việt Nam.
1.Suy đoán vô tội - nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam
Một tư tưởng để trở thành nguyên tắc của pháp luật trong đó có nguyên tắc của TTHS đảm bảo yêu cầu đầu tiên đó là phải chuyển tải một tư tưởng có ý nghĩa là giá trị được thừa nhận chung. Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản của TTHS phải đảm bảo tính đầy đủ, tính phù hợp, toàn diện và đồng bộ. Suy đoán vô tội đã được thừa nhận là giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người trong TTHS. Tính đầy đủ của nó thể hiện ở việc phải nhận thức được đầy đủ, chính xác nội dung (đòi hỏi) của nguyên tắc đó trên cơ sở lý luận luận. Tính phù hợp đòi hỏi nó phải phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, lịch sử , văn hóa, tập quán lập pháp, truyền thống tố tụng…. của mỗi quốc gia; tính toàn diện đòi hỏi các nội dung, tinh thần của nguyên tắc phải được thể hiện xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự từ các quy định của pháp luật cho đến thực tiễn thực hiện nó. Tình đồng bộ, đòi hỏi nguyên tắc này phải đồng bộ với các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự, cao hơn nữa là phù hợp và đồng bộ với mục đích và mô hình TTHS nói riêng và bản chất của nhà nước nói chung. Bởi lẽ, không thể có những nguyên tắc tố tụng hình sự thấm nhuần tư tưởng bình đẳng bác ái và pháp chế trong một xã hội bất công, quyền con người không được tôn trọng và văn hóa pháp lý không phát triển. Ngược lại trong một xã hội dân chủ, pháp luật kỷ cương được tôn trọng thì muốn hay không muốn như tư tưởng sáng giá nhất- vốn là thành tựu của tư pháp thế giới ở lĩnh vực tố tụng hình sự sẽ nghiễm nhiên trở thành các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Suy đoán vô tội với tư cách là nguyên tắc của TTHS Việt Nam đã thể hiện được các yêu cầu này.
Cội nguồn của nguyên tắc suy đoán vô tội có từ thời La-mã cổ đại khi người ta cho rằng trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo và chỉ áp dụng trong tố tụng dân sự. Tư tưởng này chỉ thực sự trở thành nguyên tắc pháp luật khi khi cách Cách mạng tư sản Pháp dành thắng lợi đánh một dấu mốc trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhân loại để bảo vệ quyền con người, cùng với đó là đòi hỏi ngày càng gay gắt của xã hội: Cần phải có biện pháp hạn chế, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán xâm phạm thô bạo quyền con người trong TTHS từ phía nhà nước.
Giá trị của suy đoán vô tội được xem xét ở hai phương diện: phương diện chứng minh và phương diện đối xử. Ở phương diện chứng minh cần bắt đầu từ vấn đề cơ bản nhất là bản chất của TTHS đó là quá trình nhận thức về sự thật của vụ án. Lý thuyết về chứng minh chỉ ra nhiều phương pháp chứng minh. Bên cạnh phương pháp chứng minh trực tiếp, người ta có thể chứng minh bằng phương pháp phản chứng (reductio ad absurdum) – tiếng La tinh có nghĩa là “thu giảm đến sự vô lý”. Theo đó, người ta sẽ chứng minh nếu một phát biểu nào đó xảy ra, thì dẫn đến mâu thuẫn về lôgic, vì vậy phát biểu đó không được xảy ra. Ví dụ: Nguời ta tìm thấy một chiếc áo dính máu nạn nhân bị sát hại trong nhà ông A. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu tội phạm và người phạm tội. Câu hỏi ông A có phạm tội hay không là một mệnh đề cần phải chứng minh. Thay vì chứng minh trực tiếp ông A phạm tội, nhân viên cảnh sát đặt ra giả thiết ông A không phạm tội. Trong quá trình chứng minh chừng nào chưa tìm ra được những chứng cứ loại trừ giả thiết chứng minh ban đầu có nghĩa là ông A luôn không phạm tội. Tuy nhiên, chứng minh trong TTHS khác với chứng minh trong toán học ở chỗ, một bài toán có thể có một nghiệm, vô số nghiệm hoặc vô nghiệm. Trong TTHS chỉ có hai kết quả hoặc có tội hoặc không có tội mà không thể có kết quả thứ ba là vừa có tội vừa không có tội. Nói cách khác trong TTHS không chứng được “có” thì phải khẳng định là “không”.
Mặt khác, suy đoán vô tội không chỉ đáp ứng yêu cầu chứng minh mà còn bảo vệ được quyền của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hoạt động TTHS bao gồm hai nhiệm vụ. Trước hết, nó là hoạt động bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm. Mặt khác không kém phần quan trọng là bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Luật TTHS trong nhà nước văn minh phải dung hoà được quyền lợi xã hội và tự do cá nhân. Suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động TTHS giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Hơn nữa, chứng minh trong TTHS là hoạt động cực kỳ phức tạp, không chỉ là những hành vi khách quan, những hậu quả thực tế mà còn cả những yếu tố tâm lý (lỗi) của người phạm tội. Mọi sai lầm trong chứng minh nhiều khi có thể phải trả giá bằng sinh mệnh của con người. Do đó, “nếu chỉ chứng minh theo hướng suy đoán có tội thì rất dễ dẫn đến việc coi tố tụng hình sự chỉ đơn thuần là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ thể”. Việc định kiến người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội là hết sức nguy hiểm. Nó đồng nhất người bị tình nghi, bị can, bị cáo là người có tội kéo theo đó là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng tràn lan, thiếu căn cứ, chà đạp lên quyền con người mà nhiều trường hợp khi vụ án được xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Lúc đó, có bồi thường oan sai đi chăng nữa thì hậu quả đối với họ không thể nói là đã bù đắp được toàn bộ.
Như vậy, không chỉ là quyền của người bị buộc tội, nghĩa vụ của bên buộc tội, thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người, suy đoán vô tội còn phù hợp với quy luật của nhận thức trong tố tụng hình sự: Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.
Nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội là một giả định thể hiện ở yêu cầu: bị can, bị cáo phải được coi là vô tội khi mà lỗi của bị can, bị cáo đó chưa được chứng minh theo một trình tự do pháp luật quy định và được xác định bởi một bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định trong tất cả các giai đoạn tố tụng người bị tình nghi, bị can, bị cáo chưa phải là tội phạm. Do đó nó đòi hỏi hoạt động tố tụng hình sự không chỉ tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự để việc xác định sự thật vụ án đạt được kết quả chính xác nhất làm cơ sở để kết luận một người là có tội hay không mà còn nhấn mạnh yêu cầu “mọi hoài nghi về lỗi của bị can, bị cáo phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can bị cáo”.
Nội dung của suy đoán vô tội trong khoa học pháp lý Việt Nam cho đến nay cơ bản thống nhất. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề cần lý giải thêm đó là phạm vi chủ thể có nghĩa vụ phải suy đoán vô tội là các cơ quan tiến hành tố tụng hay bao gồm cả cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác và nhất là báo chí?. Điều này có sự khác nhau trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp năm 1789 khẳng định quyền được suy đoán vô tội được đảm bảo cho tất cả mọi người (Điều 9 Tuyên ngôn sử dụng thuật ngữ “tout homme“, tiếng Pháp có nghĩa là “tất cả mọi người“). Hiến pháp Việt Nam 1992 và BLTTHS Việt Nam 2003 đều quy định: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên trong Điều 11 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950 và Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã quy định quyền được suy đoán vô tội được đảm bảo cho người bị buộc tội (các điều luật nêu trên đều sử dụng thuật ngữ “personne acusée” trong bản tiếng Pháp, có nghĩa là “người bị buộc tội“). Hiến pháp Việt Nam 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 2015 giới hạn chủ thể có quyền suy đoán vô tội là “người bị buộc tội”.
Để lý giải sự khác nhau này chúng tôi cho rằng đặt duy đoán vô tội trong các quan hệ pháp luật. Trong quan hệ Hiến pháp với tư cách là quyền Hiến định, chủ thể có nghĩa vụ suy đoán vô tội là bất kỳ ai (không chỉ là cơ quan tiến hành tố tụng và suy đoán vô tội không chỉ áp dụng trong tố tụng hình sự. Trong quan hệ tố tụng hình sự (khi bắt đầu có sựu buộc tội) thì suy đoán vô tội là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng và là quyền của những người bị buộc tội. Chính vì vậy Uỷ ban châu Âu khẳng định nguyên tắc suy đoán vô tội dành cho tất cả mọi người, không bị giới hạn trong những đảm bảo tố tụng; quyền được suy đoán vô tội được áp dụng mỗi khi đương sự là đối tượng của một tuyên bố công khai chứa đựng ý kiến rằng họ là người có tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi chỉ được kết tội một người khi chứng minh đầy đủ lỗi của anh ta. Trong khoa học Việt nam hiện nay vẫn đang tranh luận vấn đề giới hạn chứng. Chứng minh đến đâu thì được coi là đủ? Lý luận về chứng cứ cũng như chứng minh trong TTHS đưa khái niệm “nghi ngờ hợp lý”- resonable doubt và “vượt qua nghi ngờ hợp lý”- beyon reasonable doubt. Đây là hiện tượng của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự và đồng thời cũng là giới hạn chứng minh, hay là giới hạn cho vấn đề đủ của chứng cứ cũng như tiêu chuẩn đảm bảo chân lý trong các kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành TTHS trong nhiều mô hình TTHS.
Theo nguyên lý này, kết luận buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng phải đảm bảo không còn nghi ngờ hợp lý. Ngược lại, nếu kết luận đó vẫn còn nghi ngờ hợp lý thì quá trình chứng minh chưa đủ để kết tội. Nghi ngờ hợp lý đó chính là sự chưa đầy đủ về chứng cứ để buộc tội hoặc chưa rõ ràng về pháp luật. Nếu còn tồn tại các nghi ngờ hợp lý này, quá trình xác định sự thật của vụ án chưa thành công. Mặt khác, nếu đã tìm đủ mọi biện pháp trong giới hạn luật định mà không triệt tiêu được những nghi ngờ hợp lý trên thì một người luôn vô tội và quá trình xác định sự thật của vụ án cũng kết thúc. Sự thật ở đây là một người không thực hiện tội phạm.
Nghi ngờ hợp lý là tiêu chuẩn chứng minh có tội và là một trong những khái niệm phức tạp nhất của tư pháp. Từ Tòa án quận cho tới Tòa án tối cao Mỹ, chưa ai có đủ khả năng để đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về vấn đề này.
Nghi ngờ hợp lý thuộc phạm vi của quyền được truy tố theo trình tự pháp luật. Nó liên quan chặt chẽ với nguyên tắc suy đoán vô tội. Nghi ngờ hợp lý và suy đoán vô tội dịch chuyển gánh nặng xác định sự thật của vụ án bằng chứng chứng minh có tội sang cho bên buộc tội, thay vì người bị nghi ngờ phải tự khai ra. Một cáo buộc về tội phạm của bên công tố được tòa án chấp nhận khi nó “vượt qua được nghi ngờ hợp lý– (beyon a reasonable doubt). Ngược lại, chứng minh chưa vượt qua được nghi ngờ hợp lý hay vẫn còn nghi ngờ hợp lý bị coi là chưa thành công và bị cáo không phạm tội. Việc áp dụng tiêu chuẩn chứng minh “vượt quá yêu cầu nghi ngờ hợp lý” được tóm tắt như sau: Một phiên tòa hình sự thực chất là quá trình tòa án nhận thức sự kiện phạm tội (chân lý) để áp dụng pháp luật hình sự. Quá trình này gồm luôn gồm ba yếu tố: chứng cứ, luật áp dụng, và áp dụng luật vào sự kiện phạm tội dựa vào chứng cứ đã thu thập được. Việc áp dụng luật vào sự kiện phạm tội dựa vào chứng cứ phải đạt dựa trên tiêu chuẩn nhất định. Một trong những tiêu chuẩn được các tòa án áp dụng là: Vượt quá nghi ngờ hợp lý. Nói cách khác, “vượt quá nghi ngờ hợp lý” có thể được diễn giải là “không còn nghi ngờ gì nữa” tuy vẫn có thể không đạt 100% nhưng có sác xác suất hoặc mức độ chắc chắn trên 95%. Trong vụ án hình sự công tố viên phải có gánh nặng chứng minh các sự kiện và chứng cứ của họ vượt quá nghi ngờ hợp lý để buộc tội bị cáo. Tòa án đòi hỏi tòa tiêu chuẩn này vì việc buộc tội một người rất quan trọng, và đòi hỏi bằng chứng khá chắc chắn để có thể áp dụng trách nhiệm hình sự tước đi những tự do của bị cáo. Trong phiên họp bồi thẩm đoàn, sau khi bỏ phiếu quyết định, thông thường mọi người tham gia vào tranh luận, và ai cũng phải cố thuyết phục người khác theo ý mình. Do đó, ai cũng phải trình bày lý do tại sao họ bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý với tội phạm đưa ra. Định nghĩa trên được phần lớn các tòa coi trọng. Bang California thậm chí còn hợp thức hóa 3 điều trên của Shaw thành luật tiểu bang. Thế nhưng, định nghĩa này lại bị chỉ trích bới tính không rõ ràng.
Theo Luật TTHS Canada, người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh có tội tại toà án luật định. Nhà nước phải chứng minh mỗi yếu tố cấu thành tội phạm của bị cáo bị buộc tội với “nghi ngờ có căn cứ”. Tiêu chuẩn để xác định “nghi ngờ có căn cứ” được Toà án tối cao Canada giải thích như sau: Một nghi ngờ có căn cứ không phải là nghi ngờ dựa trên sự đồng cảm hay định kiến; Nghi ngờ này không đòi hỏi phải chứng minh cho một điều chắc chắn, tuyệt đối; Nghi ngờ này không phải là bằng chứng chắc chắn nhất cũng không phải là một nghi ngờ tưởng tượng; Nghi ngờ có căn cứ được đòi hỏi hơn là chứng minh rằng bị cáo có tội – một thẩm phán chỉ kết luận rằng bị cáo có thể là có tội thì phải tuyên vô tội; Chứng minh được khi không có sự nghi ngờ có căn cứ về điều gì đó gần với sự chắc chắn tuyệt đối hơn là gần với khả năng có tội. Như vậy, trong TTHS Việt Nam hiện nay, giới hạn chứng minh chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể kiểu như “vượt qua nghi ngờ hợp lý” như một số nước mà chỉ quy định giới hạn chứng minh mang tính chất định tính là: các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Một trong những đòi hỏi đối với nguyên tắc cơ bản của TTHS nói chung và nguyên tắc suy đoán vô tội đó là tính đồng bộ tức nó phải phù hợp với chế độ chính trị nói chung, mô hình tố tụng và các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự nói riêng. Nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ có thể tồn tại thực chất và thể hiện được giá trị của nó nếu đặt trong nhà nước pháp quyền ở đó quyền con người được ghi nhận và bảo vệ; khi nó phù hợp với mô hình tố tụng đảm bảo được các tiêu chuẩn về xét xử công bằng. Đặc biệt nguyên tắc suy đoán vô tội chỉ được thực hiện khi nó kết hợp với các nguyên tắc khác trong hệ thống nguyên tắc tố tụng hình sự Việt nam. Bởi lẽ nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong nhiều các nguyên tắc hợp thành hệ thống nguyên tắc của luật tố tụng hình sự. Hệ thống nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự được chia làm nhiều nguyên tắc song các nguyên tắc của luật tố tụng hình sự đều là sự cụ thể hóa các nguyên tắc chung của pháp luật và các nguyên tắc của hiến pháp. Giữa các nguyên tắc này có mối liên hệ mật thiết với nhau tác động qua lại lẫn nhau. Đó là sự thực hiện nguyên tắc này là tiền đề để thực hiện nguyên tắc kia hoặc nguyên tắc này cụ thể hóa nguyên tắc kia.
Là một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự với tư cách là những tư tưởng và quan điểm chủ đạo, có khả năng định hướng cho cả hệ thống pháp luật tố tụng hình sự và hệ thống tư pháp hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội nhất thiết phải có mối liên hệ với các nguyên tắc khác nhằm tạo nên tính nhất quán, tính hệ thống của các nguyên tắc tố tụng. Sự nhất quán đó không chỉ là việc giao thoa, bổ sung cho nhau về nội dung của các nguyên tắc mà còn là sự nhất quán với nhau trên một định hướng chung cho toàn bộ các hoạt động và quan hệ tố tụng hình sự đó chính là mục đích của tố tụng hình sự. Do đó nguyên tắc su đoán vô tội phải được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự như: nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tình nghi, bị can, bị cáo và nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng…
2.Thực tiễn thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS Việt Nam
Nếu luật TTHS Liên bang Xô – viết (hệ thống pháp luật mà pháp luật Việt Nam nói chung và TTHS Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng ở cả phương diện chính trị và học thuật) trong thời gian gian dài, không thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội, thậm chí còn bị coi là sản phẩm của pháp luật tư sản thì ở Việt Nam, trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 1989, tư tưởng của nguyên tắc này đã được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư số 2252/HCTP ngày 29/10/1953 đã hướng dẫn: “Không nên có định kiến rằng hễ người bị truy tố là nhất định có tội mà đối xử như người có tội; bị can trước khi tuyên án được coi như vô tội để toà án có thái độ hoàn toàn khách quan”. Thông tư số 16/TATC ngày 27/9/1974 của TANDTC đã đưa ra hướng dẫn có tính nguyên tắc trong hoạt động xét xử của toà án như sau: “Việc xét hỏi tại phiên toà nhằm trực tiếp và công khai thẩm tra lại các chứng cứ của vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử phải xét hỏi một cách đầy đủ, khách quan, cần tránh tư tưởng quá tin vào hồ sơ mà coi nhẹ tác dụng của việc xét hỏi tại phiên toà, hoặc cho rằng xét hỏi chỉ nhằm buộc tội bị can phải nhận những lời mà họ đã khai ở cơ quan điều tra”.
Trong các BLTTHS 1989 và 2003, tư tưởng cốt lõi của nguyên tắc này đã được thể hiện: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của toà án và trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy không ghi nhận một cách trực tiếp suy đoán vô tội nhưng những tinh thần của nguyên tắc này đã được thể hiện trong TTHS Việt Nam. Từ việc không ghi nhận đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật TTHS dẫn đến trên thực tế TTHS được thực hiện theo hướng “suy đoán có tội” tức là “Một người bị coi là có tội cho đến khi được tuyên vô tội”. Với nhận thức như vậy chẳng những TTHS không hoàn thành nhiệm vụ phát hiện, xử lý mọi hành vi phạm tội mà còn làm oan người vô tội, xâm phạm đến quyền con người trong TTHS.
Đánh giá thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS Việt Nam hiện hành chúng tôi dựa vào các tiêu chí đã nói ở trên đó là: tính đầy đủ, tính đồng bộ; tính phù hợp; tính toàn diện được thể hiện trong toàn bộ TTHS Việt Nam.
BLTTHS 2015 của Việt Nam đã chính tức ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội với đầy đủ nội dung của nó tại Điều 13: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Việc thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự là phù hợp quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang theo đuổi thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã quy định những điểm rất mới phù hợp với tiêu chuẩn của nhà nước pháp quyền như: khẳng định nhà nước pháp quyền phải ghi nhận đầy đủ và cam kết bảo vệ quyền con người trong đó có quyền con người trong TTHS; quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… Việc quy định nguyên tắc suy đoán vô tội là sự cụ thể hóa tính thần đó Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực TTHS.
Nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS Việt Nam phù hợp với mô hình TTHS Việt Nam. Trên thế giới trước đây và hiện nay tồn tại nhiều loại mô hình tố tụng khác nhau trong đó có hai mô hình tố tụng chủ yếu là tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng mà có người còn gọi là mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm và tố tụng công bằng. Mỗi mô hình tố tụng đều có những ưu điểm và nhược hạn chế nhất định. Nếu mô hình tố tụng xét hỏi (kiểm soát tội phạm) lấy việc trấn áp tội phạm, hiệu quả của việc phát hiện, xử lý tội phạm là chức năng quan trọng của TTHS (bắt nhầm hơn bỏ sót) thì tố tụng tranh tụng (tố tụng công bằng) coi trọng sự cân bằng giữa việc phát hiện tội phạm và bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự với quan điểm nhiều khi thà bỏ sót hơn bắt nhầm… Không một mô hình tố tụng nào là hoàn hảo. Do đó, luật TTHS Việt Nam đã đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Tiếp tục mô hình tố tụng xét hỏi như hiện nay hay chuyển sang mô hình tố tụng tranh tụng? Áp dụng những những ưu điểm của tố tụng tranh tụng không thể phủ nhận của nó là một khả năng được xem xét đến.
Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình tố tụng không thể chỉ là mong muốn chủ quan mà cần có sự chuẩn bị nhiều mặt trong đó đặc biệt chú ý tới các điều kiện kinh tế xã hội, năng lực cơ quan tiến hành tố tụng và cả ý thức pháp luật của xã hội để mô hình đó phát huy hiệu quả trong thực tế. Chính vì vậy, BLTTHS Việt Nam 2015 đã chuyển sang áp dụng mô hình tố tụng hỗn hợp tiếp thu những ưu điểm của tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi. Đây là là một lựa chọn đúng đắn. Trong giai đoạn điều tra cần có sự cởi mở hơn đảm bảo có việc tham gia tích cực của các chủ thể khác thuộc bên gỡ tội đặc biệt là quyền của người bào chữa trong quá trình khởi tố, điều tra. Sẽ là duy ý chí và lạc quan quá sớm khi chúng ta áp dụng một mô hình tố tụng khác khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt. Khi và chỉ khi có các yếu tố tranh tụng được tăng cường cho TTHS thì mới đảm bảo được nguyên tắc suy đoán vô tội.
Nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam đã đảm bảo tính đồng bộ khi nó được ghi nhận cùng với các nguyên tắc khác của TTHS để đảm bảo tính hệ thống của các nguyên tắc cơ bản trong TTHS. Bởi lẽ Điều này đã được thể hiện trong BLTTHS Việt Nam 2013 bằng việc bổ sung nguyên tắc tranh tụng và tiếp tục hoàn thiện nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa. Bởi lẽ khi và chỉ khi coi người bị buộc tội chưa phải là người có tội thi mới phát sinh vấn đề tranh tụng để đi tìm sự thật của vụ án là một người có tội hay không. BLTTHS 2015 đã quy định các điều kiện để đảm bảo quyền bào chữa và tranh tụng như: Quy định đầy đủ các quyền và cơ chế đảm bảo các quyền của người bị buộc tội, nhất là quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bào chữa; quy định đầy đủ các quyền và cơ chế bảo đảm bảo đảm các quyền của người bào chữa, tạo sự bình đẳng và các điều kiện thuận lợi cho người bào chữa, tham gia các hoạt động tố tụng hình sự; quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên và các trình tự, thủ tục trong giai đoạn điều tra, truy tố để bảo đảm bảo việc buộc tội, tranh tụng tại phiên tòa, quy định rõ trách nhiệm của Tòa án và các thủ tục tố tụng tại phiên tòa để bảo đảm việc tranh tụng trong xét xử.
Nguyên tắc suy đoán vô tội còn được đồng bộ với các quy định về hệ thống quyền của người bị buộc tội. Quy định về quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, Hiến pháp năm 2013 quy định không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Để khắc phục quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về bắt người trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, cũng như để tạo điều kiện cho người bị bắt có cơ sở bảo vệ mình, BLTTHS năm 2015 bổ sung một số điều luật mới nhằm xác định tư cách tham gia tố tụng của “người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt”.
Trước đây, BLTTHS 2003 không hề quy định quyền được im lặng của những người này. Tuy đây không phải là nghĩa vụ của người bị buộc tội nhưng với việc không quy định quyền được im lặng của họ dẫn đến việc cơ quan tiến hành tố tụng có hành vi cưỡng ép người bị buộc tội phải nhận tội, đẩy trách nhiệm chứng minh sang phía người bị buộc tội. Việc ghi nhận quyền được im lặng của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự là phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền công dân và chính trị (Điều 14): “Không ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại chính mình hay phải thú tội”. Quy định này nhằm ngăn cấm bất kỳ hình thức cưỡng bức nhận tội nào dù trực tiếp về thể xác hay tinh thần và dù là trước hay sau khi xét xử, có thể xử dụng để ép buộc người bị tình nghi, bị can, bị cáo phải chứng minh chống lại chính mình hay phải thú nhận. Ngoài ra, sự im lặng của bị cáo cũng không thể được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh sự có tội và không thể rút ra được những hậu quả bất lợi từ việc áp dụng quyền giữ im lặng của bị cáo. Nói cách khác, không vì bị can, bị cáo im lặng hay rộng hơn họ không đưa ra chứng cứ cũng có nghĩa là họ bị coi là có tội đúng như Điều 67 Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế đã quy định về quyền của bị cáo: “Không bị buộc phải khai hoặc nhận tội và được giữ im lặng mà sự im lặng đó không bị coi là có tội hay vô tội”. Quyền được im lặng của bị can, bị cáo cũng được BLTTHS Liên bang Nga quy định tại Điều 47 theo đó bị can có quyền phản đối “phản đối việc buộc tội đưa ra những lời khai liên quan đến việc buộc tội của họ hoặc từ chối đưa ra những lời khai”. Chính vì vậy, một khi đã thừa nhận suy đoán vô tội với một trong những nội dung quan trọng của nó là khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên buộc tội thì không thể không ghi nhận quyền được im lặng của người bị buộc tội và quyền không phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình của họ. BLTTHS Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyền im lặng bằng quy định tại Điều 58: Người bị giữ, người bị bắt được: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Ngoài ra, BLTTHS Việt Nam 2015 cũng có những sửa đổi, bổ sung các quy định về các biện pháp cưỡng chế trong TTHS nhằm thể hiện và đảm bảo tinh thần của nguyên tăc suy đoán vô tội ở khía cạnh đối xử với bị buộc tội chưa bị coi là có tội như: Quy định chặt chẽ căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, tăng cường các giải pháp nhằm chống bức cung, nhục hình tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng hình sự. Đặc biệt Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được ban hành trong đó có thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện ở chế độ đối xử với người tạm giữ, tạm giam với tư cách là những người chưa bị coi là có tội.
Thực tiễn thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định một cách đầy đủ, đồng bộ, toàn diện trong pháp luật TTHS Việt Nam trong BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) để đánh giá thực tiễn thực hiện nguyên tắc này chưa có công trình nào nghiên cứu dưới góc độ xã hội học ở các phương diện nhân thức của người dân về nguyên tắc, thực tiễn tuân thủ nguyên tắc này của các cơ quan THTT. Nhưng qua quan sát chúng tôi thấy rằng tinh thàn, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội thẩm thấu vào ý thức pháp luật của từng người dân và xã hội đặc biệt là báo chí. Tần suất xuất hiện của cụm từ “suy đoán vô tội” ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt báo chí cũng đã thận trong hơn khi phản ánh những vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố và chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.
Đối với hoạt động của cơ quan THTT để đánh giá việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội dựa vào việc các cơ quan THTT thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật TTHS như: đảm bảo quyền bào chữa cho người bị buộc tội, đảm bảo tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án đặc biệt là tại phiên tòa đang được thực hiện. Ở Việt nam thời gian qua đã có những phiên tòa thực sự đảm bảo được tranh tụng, phán quyết của tòa án đã dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa….Các thẩm phán đã mạnh dạn áp dụng tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội trong việc giải quyết cá vụ án. Họ áp dụng tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội : Mọi nghi ngờ về chứng cứ phải giải thích có lợi cho người bị buộc tội.
Ngày 24/8/2015 TAND tỉnh Bình Phước đã xử sơ thẩm, tuyên bố ông Nguyễn Văn Đồng không phạm tội giết người và trả tự do ngay tại tòa dù trước đó đại diện VKS đề nghị mức án tù chung thân. Thẩm phán Nguyễn Văn Nhân (chủ tọa phiên tòa) cho biết: “Do không đủ căn cứ kết tội nên sau ba ngày nghị án, HĐXX đã tuyên ông Đồng không phạm tội giết người. HĐXX áp dụng tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội để xét xử. Nếu không đủ chứng cứ kết tội thì HĐXX phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội. Việc tuyên án như vậy là lương tâm và trách nhiệm của HĐXX. Ông Nhân khẳng định: “Trước khi xét xử phải coi bị cáo như một người bình thường vô tội. Muốn tuyên họ có tội thì phải chứng minh bằng chứng cứ. Trong vụ án này chứng cứ thu thập không đầy đủ, vi phạm tố tụng thì HĐXX phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội. Nếu còn nghi ngờ, chứng cứ còn không rõ thì không thể tuyên bị cáo có tội được”.
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án