Thừa kế trong tư pháp quốc tế là thừa kế có yếu tố nước ngoài. Quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài được căn cứ vào các yếu tố sau: Các bên tham gia quan hệ thừa kế (có thể một hoặc hai bên) là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài; Đối tượng của quan hệ thừa kế là di sản ở nước ngoài; Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài, theo pháp luật nước ngoài.
Thừa kế có yếu tố nước ngoài là một loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, đã xuất hiện từ lâu và được xem như là một hiện tượng tất yếu khách quan của giao lưu dân sự quốc tế. Điều 663 BLDS 2015, đó là: Thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế có ít nhất một bên chủ thể là cá nhân, pháp nhân nước ngoài hoặc căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài hoặc tài sản thừa kế ở nước ngoài.
Khoản 1 Điều 680 BLDS 2015 quy định: “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết”.
Các vấn đề về nội dung của di chúc, thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế,… đều được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
Ví dụ: Một người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, người đó có nhiều loại tài sản ở Việt Nam, gồm cả động sản và bất động sản, người này có vợ và một con là người nước ngoài hiện đang sống tại nước ngoài. Người này trước khi chết đã lập di chúc và để lại di sản cho vợ và con của mình. Theo đó, tất cả các vấn đề về thời điểm mở thừa kế, người hưởng di sản,… đều được áp dụng theo pháp luật của nước người để lại di sản thừa kế là công dân. Tức là trường hợp này cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ áp dụng luật nội dung của nước ngoài nhưng các quy định liên quan đến thủ tục ( luật hình thức) sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 2 Điều 680 BLDS 2015 quy định: “Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản”. Bất động sản là một loại tài sản đặc biệt, do đặc tính gắn liền với đất đai, mà đất đai là một phần lãnh thổ của quốc gia, không thể sinh sôi, vì vậy việc thực hiện quyền thừa kế với loại tài sản này sẽ có những điểm khác biệt.
Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được hiểu là người hưởng di sản thừa kế hay người còn sống có được sở hữu bất động sản hay không hoàn toàn do pháp luật của nước nơi có bất động sản quy định.
Ví dụ: Việt Nam thừa nhận quyền hưởng di sản theo di chúc của người được hưởng di sản nhưng nếu họ không thuộc diện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì họ không thể đứng tên là chủ sở hữu của ngôi nhà đó, họ chỉ được hưởng giá trị của ngôi nhà đó mà thôi.
Khoản 1 Điều 681 BLDS 2015 quy định: “Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc”.
Có thể thấy, việc chuyển dịch di sản cho người thừa kế theo di chúc là thừa kế dựa trên cơ sở ý chí định đoạt của người lập di chúc khi còn sống. Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Quan hệ thừa kế theo di chúc được đặt ra trong trường hợp người chết để lại di chúc và di chúc đó là hợp pháp. Di chúc có thể định đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản.
BLDS 2015 đã đưa ra những nguyên tắc áp dụng luật đối với các nội dung liên quan đến tính hợp pháp của di chúc. Khoản 1 Điều 681 BLDS 2015 xác định hệ thuộc luật quốc tịch (lex nationalis) để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực lập di chúc. Quy định này phù hợp với việc xác định pháp luật áp dụng đối với năng lực hành vi dân sự của cá nhân và phù hợp với các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết. Trong trường hợp người Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài thì năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 2 Điều 681 BLDS 2015 quy định: “Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây: a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản”.
Khoản 2 Điều 681 BLDS 2015 sử dụng hệ thuộc luật nước nơi lập di chúc để xác định tính hợp pháp hình thức của di chúc (locus regin actum). Khác với nguyên tắc áp dụng luật đối với việc xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc, hình thức của di chúc trong trường hợp có yếu tố nước ngoài không căn cứ vào quốc tịch của người lập di chúc mà căn cứ vào lãnh thổ nơi người để lại di sản lập di chúc. Như vậy, nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở Pháp thì phải tuân thủ những quy định của pháp luật Pháp về hình thức di chúc. Và nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì phải tuân thủ những quy định của Việt Nam về hình thức di chúc. Điều này hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, nhiều quốc gia quy định di chúc có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do đó, cần phải tuân theo các quy định của quốc gia nơi lập di chúc về hình thức của di chúc.
Việc thừa kế của công dân Việt Nam đối với tài sản ở nước ngoài, pháp luật của nước ta không có các quy định cấm và trên thực tế Nhà nước cho phép và bảo hộ công dân Việt Nam hiện đang cư trú trong nước được nhận các di sản thừa kế mà người thân của họ để lại ở nước ngoài. Đối với việc thừa kế theo di chúc của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 638 BLDS quy định những di chúc bằng văn bản dưới đây cũng có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực: “Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó; Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó”.
Đối với những trường hợp nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài thì các di chúc này được coi là hợp pháp nếu pháp luật nước ngoài được áp dụng để lập di chúc không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 670 BLDS 2015).
Nếu căn cứ vào pháp luật nước nơi di chúc được lập thì di chúc đó không phù hợp về hình thức, trường hợp này các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét đến các hệ thống pháp luật có liên quan khác, ví dụ pháp luật của nước nơi cư trú hoặc pháp luật của nước người lập di chúc có quốc tịch vào thười điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người đó chết hoặc pháp luật của nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản. Chỉ cần thỏa mãn một trong các hệ thống pháp luật nêu trên thì hình thức của di chúc được coi là hợp pháp.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của hợp tác quốc tế, bên cạnh áp dụng các quy phạm xung đột thực chất hay quy phạm xung đột đơn phương trong luật quốc nội, các quốc gia đã ký kết nhiều điều ước quốc tế để điều chỉnh các mối quan hệ tế. Trên thực tế, ở một số lĩnh vực và trong những mối quan hệ nhất định, các quy phạm của các điều ước quốc tế đóng vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh các mối quan hệ của tư pháp quốc tế nói chung và quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nói riêng.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của BLDS 2005, có thể thấy BLDS đã có thêm những bổ sung quan trọng góp phần giải quyết được các vấn đề phát sinh về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, so với quy định tương ứng của Điều 767 Bộ luật dân sự 2005 thì Điều 680 BLDS 2015 thiếu 2 khoản 3 và 4 đây là quy định về trường hợp di sản không có người thừa kế. BLDS 2005 quy định đối với di sản không có người thừa kế sẽ thuộc về Nhà nước, nếu là động sản thuộc về nhà nước mà người để lại di sản thừa kế là công dân, nếu là bất động sản sẽ thuộc về nhà nước nơi có bất động sản. Quy định như vậy là cần thiết, dẫu biết rằng những trường hợp di sản không có người thừa kế là hãn hữu nhưng với vai trò điều chỉnh xã hội, pháp luật phải dự liệu các trường hợp có thể xảy ra dù không phổ biến. BLDS 2015 không tiếp tục quy định vấn đề này là bởi vì theo quy định tại Điều 680 nếu có quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nảy sinh và rơi vào trường hợp di sản không có người thừa kế thì căn cứ vào khoản 1 Điều 680 vẫn hoàn toàn có thể giải quyết được. Cụ thể pháp luật của nước mà người để lại thừa kế là công dân sẽ được áp dụng.
Thứ hai, so với Điều 768 BLDS 2005 thì ở Điều 681 BLDS 2015 để xác định tính hợp pháp về hình thức của di chúc bên cạnh việc áp dụng hệ thuộc luật của nước nơi di chúc được lập thì còn có thể xác định tính hợp pháp về hình thức dựa trên các hệ thuộc khác được quy định tại khoản 2 Điều 681 BLDS 2015. Quy định này rõ ràng là mềm dẻo hơn, phù hợp hơn so với quy định tại Điều 768 BLDS 2005 khi mà chỉ xem xét tính hợp pháp về hình thức của di chúc theo duy nhất một hệ thuộc luật là luật của nước nơi lập di chúc. Quy định này vì thế gần hơn với quy định của pháp luật quốc tế cụ thể là Công ước La Hay ngày 5/10/1961 về xung đột pháp luật liên quan đến hình thức định đoạt tài sản bằng di chúc.
Từ những phân tích trên, có thể thấy BLDS 2015 đã quy định một cách khá chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế về vấn đề thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Cũng từ đây, nâng cao giá trị pháp luật Việt Nam và góp phần giải quyết hiệu quả các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh trong đời sống xã hội hiện nay./
Nguồn: Theo Tạp chí Tòa án