26/01/2024 16:51

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp phòng chống bạo lực học đường

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp phòng chống bạo lực học đường

Tôi muốn tìm nội dung Chỉ thị Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp phòng chống bạo lực học đường được ban hành gần đây. Anh Vũ – Đồng Tháp.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp phòng chống bạo lực học đường

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Hình thức bạo lực học đường ngày càng đa dạng. Thực trạng trên gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ, làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và gây lo lắng trong nhân dân.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, ngày 26/01/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường thực hiện một số nhiệm vụ như:

- Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật; giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên được quy định tại các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định có liên quan.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kỹ năng sống; tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, công tác Đoàn, Hội, Đội về kỹ năng ứng xử với mạng xã hội liên quan đến bạo lực học đường, giáo dục an toàn, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; tăng cường kỹ năng xử lý các tình huống có liên quan tới việc phát sinh bạo lực học đường; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với việc đảm bảo an toàn trường học do mình phụ trách.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ quan, ban ngành của địa phương xây dựng và đồng bộ hoá hệ thống dữ liệu quản lý thông tin người học trên địa bàn để theo dõi, kịp thời tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý và thống kê, báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá và xây dựng cơ chế báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện tốt chế độ giao ban về công tác an ninh, trật tự, an toàn trường học.

Như vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hiệu quả phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, cụ thể:

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện các quy định, giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

- Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo đội ngũ giáo viên về kỹ năng ứng phó bạo lực học đường.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất để quản lý và theo dõi học sinh.

- Tăng cường kiểm tra, đánh giá và báo cáo về công tác phòng chống bạo lực học đường.

 Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và công an địa phương đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

2. 05 biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường năm 2024

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP về 05 biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường bao gồm:

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;

- Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;

- Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;

- Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Như vậy, trên đây là 05 biện pháp then chốt để phòng ngừa và hạn chế bạo lực học đường. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sẽ góp phần tạo môi trường học đường lành mạnh, an toàn.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
404

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]