Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 165/2024/NĐ-CP hướng dẫn các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác bao gồm;
- Phục vụ các hoạt động: sự kiện chính trị và hoạt động văn hóa, thể thao; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh;
- Phục vụ thi công xây dựng công trình;
- Tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng;
- Tổ chức sự kiện tang lễ;
- Tổ chức đám cưới;
- Sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết;
- Đối với trường hợp sử dụng lòng đường vào mục đích khác nêu trên chỉ được thực hiện trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định của tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường đô thị;
- Không sử dụng lòng đường, vỉa hè đường cao tốc và quốc lộ vào các mục đích nêu trên.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chỉ được thực hiện khi có phương án tổ chức giao thông, không gây ùn tắc giao thông đối với đoạn đường có lòng đường, vỉa hè sử dụng vào mục đích khác hoặc có phương án phân luồng giao thông đường bộ tránh đoạn tuyến có sử dụng lòng, đường vỉa hè vào mục đích khác và phải thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trình tự thủ tục xin cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
Căn cứ Điều 21 Nghị định 165/2024/NĐ-CP tổ chức/cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác thực hiện các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
Bước 2: Nộp hồ sơ cho một trong các cơ quan có thẩm quyền:
a) Khu Quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý, trừ quy định tại điểm d;
b) Sở Giao thông vận tải thực hiện đối với đường được giao quản lý, trừ quy định tại điểm d;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đối với đường được giao quản lý, trừ quy định tại điểm d;
d) Sở Xây dựng đối với vỉa hè trong đô thị thuộc phạm vi được giao quản lý.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:
- Đối với trường hợp nộp trực tiếp, sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ và viết phiếu hẹn trả kết quả; hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp không đủ thành phần hồ sơ;
- Đối với trường hợp nộp gián tiếp, trong ngày tiếp nhận hồ sơ đối với đám tang và trong phạm vi 02 ngày làm việc đối với các trường hợp khác kể từ ngày nhận được hồ sơ, kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu không đủ thành phần hồ sơ có văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện;
- Trong thời hạn không quá 01 ngày đối với đám tang, không quá 05 ngày làm việc đối với các trường hợp khác, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính tiến hành kiểm tra nếu đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 21 Nghị định 165/2024/NĐ-CP thì có văn bản cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác. Mẫu văn bản cấp phép quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục IV kèm theo Nghị định 165/2024/NĐ-CP. Trường hợp không cấp phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Tổ chức/cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 165/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác (bản chính) theo Mẫu số 01 Phụ lục IV kèm theo Nghị định 165/2024/NĐ-CP;
- Phương án sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè vào mục đích khác, phương án tổ chức giao thông (bản chính hoặc bản sao có chứng thực)