Vừa qua, tại Quyết định 785/QĐ-BNV ngày 06/11/2024 Bộ Nội vụ đã công bố thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Trong đó có quy định về thủ tục tiếp nhận vào công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.
Theo đó, thủ tục tiếp nhận vào công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý tại Quyết định 785/QĐ-BNV được quy định như sau:
Về trình tự thực hiện:
Bước 1. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi tiếp nhận vào làm công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã, người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí cộng tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Khi tiếp nhận vào công chức để bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thì thực hiện theo quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
Trường hợp cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã thì căn cứ vào yêu cầu công tác, cấp có thẩm quyền quyết định điều động về làm cán bộ, công chức cấp huyện trở lên mà không thực hiện theo thủ tục tiếp nhận này.
Bước 2. Hội đồng kiểm tra, sát hạch kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Bước 3. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận nội dung sát hạch phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; hình thức sát hạch là vấn đáp. Hội đồng báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức về kết quả kiểm tra, sát hạch.
Bước 4. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tiếp nhận theo thẩm quyền.
Về cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ tại trụ sở cơ quan tuyển dụng.
Về thành phần, hồ sơ :
- Thành phần
+ Sơ yếu lý lịch cá nhân theo quy định hiện hành được lập trong thời hạn 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận,
+ Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Về thời hạn giải quyết: Không quy định thời gian cụ thể.
Về cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định. Người đứng đầu cơ
quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Như trên.
Về đối tượng thực hiện: Cá nhân.
Về tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không
Về phí, lệ phí: Không
Về kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định tiếp nhận vào công chức.
Về yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính
Đối tượng tiếp nhận:
(1) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập,
(2) Cán bộ, công chức cấp xã,
(3) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;
(4) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
(5) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữa các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận
- Căn cứ yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xem xét, tiếp nhận các đối tượng tiếp nhận vào công chức nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm và điều kiện đăng ký dự tuyển công chức quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, của pháp luật.
- Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tiếp nhận vào công chức:
+ Thuộc đối tượng tiếp nhận,
+ Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;
+ Từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
+ Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt,
+ Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;
+ Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
- Những người sau đây không được tiếp nhận vào công chức:
+ Không thuộc đối tượng tiếp nhận;
+ Không cư trú tại Việt Nam;
+ Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện trên, đối tượng tiếp nhận vào công chức nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau:
+ Trường hợp quy định tại (1), (2), (3) về Đối tượng tiếp nhận phải có đủ 05 năm công tác trở lên theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không tính thời gian tập sự, thử việc, nếu không liên tục và chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 01 lần thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc quy định tại (1), (2), (3), (4) về Đối tượng tiếp nhận), làm công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận,
+ Trường hợp quy định tại (5) về Đối tượng tiếp nhận phải được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển bằng văn bản đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ; không yêu cầu phải có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến.
Theo quy định tại Điều 8 Luật cán bộ, công chức 2008 thì nghĩa vụ của công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân như sau:
- Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
- Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.