Tại Điều 64 Nghị định 175/2024/NĐ-CP hướng dẫn thủ tục thu hồi, hủy, giấy phép xây dựng công trình như sau:
(1) Giấy phép xây dựng bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Xây dựng 2014.
(2) Trình tự thu hồi, hủy giấy phép xây dựng:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, văn bản kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng xác định giấy phép xây dựng thuộc trường hợp quy định tại (1), cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép xây dựng ban hành quyết định thu hồi giấy phép xây dựng;
- Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép xây dựng có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi giấy phép xây dựng cho tổ chức/cá nhân bị thu hồi và đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình; đồng thời gửi thông tin cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để công bố công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định;
- Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép xây dựng phải nộp lại bản gốc giấy phép xây dựng cho cơ quan ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép xây dựng không nộp lại giấy phép xây dựng theo quy định, cơ quan có thẩm quyền thu hồi ban hành quyết định hủy giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Xây dựng 2014 và thông báo cho chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình xây dựng. Quyết định hủy giấy phép xây dựng phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan thu hồi giấy phép xây dựng và tích hợp trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng địa phương.
(3) Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép xây dựng được đề nghị cấp giấy phép xây dựng sau khi đã nộp lại hoặc hủy giấy phép xây dựng và hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định tại Điều 6 Nghị định 175/2024/NĐ-CP như sau:
- Khách quan, minh bạch về trình tự, thủ tục, hồ sơ, kết quả thẩm định và tuân thủ các quy định về thủ tục hành chính trong quá trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
- Việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, phê duyệt dự án được thực hiện với toàn bộ dự án, từng dự án thành phần, hoặc theo giai đoạn thực hiện đối với một hoặc một số công trình của dự án (theo phân kỳ đầu tư) bảo đảm các yêu cầu nêu tại quyết định hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quy định của pháp luật có liên quan.
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện đối với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc từng phần của công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và các cơ sở tính toán giữa các giai đoạn và với thiết kế cơ sở được thẩm định, phê duyệt.
- Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đúng thẩm quyền hoặc theo ủy quyền sau khi dự án, thiết kế xây dựng được các cơ quan có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện và được cơ quan chủ trì thẩm định tổng hợp, trình phê duyệt theo quy định.
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt đối với việc dự án đầu tư xây dựng điều chỉnh, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở điều chỉnh được thực hiện đối với riêng nội dung điều chỉnh hoặc cho toàn bộ nội dung của dự án, thiết kế xây dựng.
Căn cứ Điều 90 Luật Xây dựng 2014 quy định nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng được pháp luật quy định bao gồm:
(1) Tên công trình thuộc dự án.
(2) Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
(3) Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
(4) Loại, cấp công trình xây dựng.
(5) Cốt xây dựng công trình.
(6) Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
(7) Mật độ xây dựng (nếu có).
(8) Hệ số sử dụng đất (nếu có).