08/11/2024 17:05

Thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp năm 2024

Thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp năm 2024

Thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mới tại Quyết định 3038/QĐ-BKHCN năm 2023 công bố thủ tục hành chính mới, bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thủ tục, hồ sơ giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mới tại Quyết định 3038/QĐ-BKHCN năm 2023, cụ thể:

Trình tự thực hiện giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

Quy trình thực hiện giải quyết khiếu nại liên quan đến vấn đề sở hữu công nghiệp được thực hiện theo tuần tự các bước sau:

- Bước 1: Tiếp nhận đơn

Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (là Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nếu là khiếu nại lần đầu) hoặc (là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nếu là khiếu nại lần hai).

- Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại

Việc thụ lý giải quyết đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại và khoản 1 Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải:

+ Ra thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định, trong đó nêu rõ lý do từ chối; hoặc

+ Ra thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại nếu đơn không thuộc các trường hợp không được thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn và xác định phí tra cứu và/hoặc phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại tương ứng với nội dung khiếu nại (nếu có) và ấn định thời hạn 01 tháng để người khiếu nại nộp phí.

+ Nếu người khiếu nại không nộp phí thẩm định đối với trường hợp phải thẩm định lại để phục vụ việc giải quyết khiếu nại theo thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại nêu trên, đơn khiếu nại được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ.

- Bước 3: Giải quyết khiếu nại

+ Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho bên liên quan và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến (nếu có);

+ Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu trên, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại;

+ Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;

+ Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì đơn khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở các tài liệu có trong đơn, bao gồm cả tài liệu thể hiện ý kiến của bên kia.

+ Căn cứ vào kết quả xem xét lại quyết định, thông báo bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Khiếu nại.

- Bước 4: Công bố quyết định:

Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày và trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Cách thức thực hiện giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

Việc giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp thực hiện theo các cách thức sau: 

- Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (nếu là khiếu nại lần đầu) hoặc tới trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hà Nội (nếu là khiếu nại lần hai).

Thành phần, số lượng hồ sơ giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

- Thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định tại Điều 119a Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 36 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN bao gồm:

+ Đơn khiếu nại được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 124/2020/NĐ-CP;

+ Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ và bản sao đơn đăng ký sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định hoặc thông báo đó (trong trường hợp người nộp đơn khiếu nại lần hai); hoặc tài liệu chỉ dẫn thông tin về các tài liệu nêu trên;

+ Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai);

+ Chứng cứ (bằng chứng hoặc vật chứng) dùng để chứng minh, làm rõ lập luận khiếu nại. Chứng cứ có thể được nộp bổ sung trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn khiếu nại.

+ Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).

- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

Thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

Thời hạn hạn quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp cụ thể như sau:

- 10 ngày để ra thông báo thụ lý hoặc không thụ lý hồ sơ kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;

- 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp có ý kiến;

- 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn này là 45 ngày (đối với khiếu nại lần thứ nhất);

- 45 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn này là 60 ngày (đối với khiếu nại lần thứ hai).

Phí, lệ phí

Theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, Thông tư 31/2020/TT-BTCThông tư 63/2023/TT-BTC thì phí, lệ phí phát sinh khi thực hiện thủ tục khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp bao gồm:

- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác trong phạm vi trách nhiệm:

+ Sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích): 600.000 đồng (mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ);

+ Kiểu dáng công nghiệp: 480.000 đồng (cho mỗi phương án của từng sản phẩm);

+ Nhãn hiệu: 180.000 đồng (cho mỗi nhóm có đến 6 sản phẩm/dịch vụ), nếu đối tượng tra cứu là nhãn hiệu có trên 6 sản phẩm/dịch vụ trong một nhóm, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng;

+ Chỉ dẫn địa lý (bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá): 180.000 đồng (cho mỗi đơn).

- Phí thẩm định để giải quyết khiếu nại các đối tượng sở hữu công nghiệp:

+ Sáng chế (bao gồm cả giải pháp hữu ích): 900.000 đồng (mỗi điểm độc lập của yêu cầu bảo hộ);

+ Kiểu dáng công nghiệp: 700.000 đồng (mỗi phương án của từng sản phẩm);

+ Nhãn hiệu: 550.000 đồng (mỗi nhóm có đến 6 sản phẩm/dịch vụ) nếu đơn nhãn hiệu có trên 6 sản phẩm/dịch vụ trong một nhóm, phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi: 120.000 đồng;

+ Chỉ dẫn địa lý (bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá): 1.200.000 đồng (mỗi đơn);

+ Thiết kế bố trí mạch tích hợp: 180.000 đồng (mỗi đơn).

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính

- Thông báo thụ lý/từ chối thụ lý đơn khiếu nại

- Quyết định giải quyết khiếu nại.

Trên đây là thông tin về thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Nguyễn Thành Đạt
67

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]