Căn cứ Điều 3 Nghị định 135/2024/NĐ-CP thì điện mặt trời mái nhà là điện được sản xuất từ các tấm quang điện theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng, thông qua kết cấu xây dựng nhằm lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, kết nối với thiết bị điện và phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Còn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà để sản xuất, cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia hoặc cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia.
Theo đó, đơn vị có nhu cầu đăng ký phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ phải có giấy chứng nhận đăng ký phát triển. Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển đơn vị phải đáp ứng các điều kiện sau theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 135/2024/NĐ-CP như sau:
- Có hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được quy định tại Điều 10 Nghị định 135/2024/NĐ-CP
- Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, có công suất từ 1.000 kW trở lên:
+ Trường hợp bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì công suất phải phù hợp với quy mô công suất được phân bổ phát triển tại địa phương trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch;
+ Trường hợp không bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì đăng ký thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
+ Văn bản thống nhất của đơn vị điện lực địa phương.
Theo hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 135/2024/NĐ-CP các bước đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ thực hiện như sau:
Đối với diện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
Giấy đăng ký theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ cung cấp tài liệu: Bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; bản sao giấy phép xây dựng của công trình (nếu có) theo quy định của pháp luật;
Đối tượng còn lại cung cấp tài liệu: Bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; các bản sao chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, kết quả nghiệm thu công trình xây dựng, tài liệu về bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời Sở Công Thương cấp tỉnh. Các hình thức nộp hồ sơ bao gồm
Nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Các bản sao tài liệu kèm theo chưa được chứng thực thì phải có bản chính để đối chiế
Gửi hồ sơ qua bưu điện. Các bản sao tài liệu kèm theo phải được chứng thực
Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến.
Bước 3: Tiếp nhận xử lý hồ sơ
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định hoặc không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 135/2024/NĐ-CP, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra thông báo trả toàn bộ hồ sơ để tổ chức, cá nhân bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy định;
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong quá trình giải quyết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký phát triển có trách nhiệm xác định thời điểm tiếp nhận theo thứ tự về thời gian để giải quyết theo quy định;
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan tiếp nhận gửi hồ sơ đến đơn vị điện lực tại địa phương để lấy ý kiến về việc điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đề nghị phát triển có hoặc không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại khu vực đăng ký phát triển, công suất đề nghị có hoặc không phù hợp phụ tải hiện có (căn cứ theo sản lượng điện tiêu thụ tại 12 tháng gần nhất). Đơn vị điện lực phải xem xét, giải quyết và gửi ý kiến cho cơ quan tiếp nhận trong thời hạn tối đa 07 ngày.