25/02/2023 17:18

Thu nhập từ mua, bán tiền ảo có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?

Thu nhập từ mua, bán tiền ảo có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?

Hiện nay, hoạt động mua bán tiền ảo diễn ra khá phổ biến. Vậy việc mua bán này có phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng không? “Ngọc Minh-Hà Nam”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp thắc mắc như sau:

Cụ thể tại Bản án Bản án 22/2017/HC-ST ngày 21/9/2017 về khiếu kiện quyết định truy thu thuế có nội dung như sau:

Từ giữa năm 2008 đến năm 2013, ông C có tham gia trao đổi tiền ảo qua mạng Internet. Đến tháng 9/2013, ông đã nhiều lần được Cơ quan A thuộc Công an tỉnh Bến Tre mời đến làm việc do ông đã tham gia các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Ngày 19/10/2015, Cơ quan A ban hành Công văn số 87/ANĐT đề nghị Cục T nghiên cứu xử lý vi phạm hành chính về việc truy thu thuế đối với hành vi mua bán tiền ảo trên mạng Internet của ông.

Ngày 13/5/2016, ông nhận được Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T. Tại phần biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số thuế ông phải nộp là 2.649.377.069 đồng, cụ thể: thuế giá trị gia tăng: 981.527.006 đồng, thuế thu nhập cá nhân: 1.667.850.063 đồng. Như vậy, số thuế thu nhập mà ông phải nộp như vậy là quá cao, còn hơn tổng lợi nhuận trước thuế (1.358.393.508 đồng) mà ông đã thu được theo kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 15/6/2017, ông C có đơn khiếu kiện quyết định truy thu thuế của Chi cục trưởng Chi cục T”

Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre nhận định: Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T đã căn cứ vào Công văn số 4356/BTC-TCT ngày 01/4/2016 của Bộ Tài chính nêu: “... hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa và được xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại; tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng và cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tương chịu thuế thu nhập cá nhân…” là vượt quá thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quyết định của Tòa án: Chấp yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Việt C, tuyên xử: hủy Quyết định số 714/QĐ-CCT ngày 12/5/2016 của Chi cục trưởng Chi cục T về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định số 1002/QĐ-CT ngày 18/5/2017 của Cục trưởng Cục T về việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Việt C.

Hiện nay, việc mua bán tiền kỹ thuật số thông qua mạng internet diễn ra dễ dàng và phổ biến. Khi phát sinh thu nhập từ việc mua bán này thì có phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân không là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

Theo đó, để xác định cá nhân có thu nhập từ mua bán tiền ảo có phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN thì cần xác định “tiền kỹ thuật số có phải là đối tượng chịu thuế” không? 

Quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 như sau:

Điều 3. Đối tượng chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này.

Như vậy, đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định pháp luật hiện hành là “hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam…”

Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 thì: 

Điều 2. Đối tượng nộp thuế

  1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

Theo quy định trên, đối tượng nộp thuế TNCN là “cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ”.

Ngoài ra, Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP quy định “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Theo quy định này, các phương thức thanh toán như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự là phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP cũng quy định “Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.”

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp như đồng tiền ảo Bitcoin là hành vi bị cấm, do vậy ông C sẽ không thành lập được doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề này theo quy định pháp luật Việt Nam. 

Khung pháp lý về tiền kỹ thuật số (tiền ảo) cũng như hành vi mua bán tiền ảo qua mạng Internet đang được hoàn thiện, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào xác định tiền kỹ thuật số, tiền ảo là hàng hóa và mua bán tiền kỹ thuật số (tiền ảo) là kinh doanh hàng hóa được pháp luật cho phép và phải chịu thuế. 

Do vậy, trong thời điểm quy định pháp luật chưa điều chỉnh với hình thức kinh doanh, phương tiện thanh toán mới này thì việc mua, bán tiền ảo qua mạng internet chưa phải là đối tượng chịu thuế TNCN, thuế GTGT.

Bùi Thị Như Ý
17109

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn