17/11/2023 19:57

Thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào?

Thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào?

Tôi muốn hỏi thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào? Đình chỉ Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào?_Lê Vỹ(Hà Nội)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào?

Theo Điều 28 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa như sau:

- Bộ Công Thương(BCT) thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo đề nghị của doanh nghiệp trên cơ sở xác nhận của các cơ quan liên quan về các nội dung sau:

+ Doanh nghiệp đã tái xuất hết hàng hóa tạm nhập ra khỏi Việt Nam.

+ Hoàn thành nghĩa vụ phát sinh trong quá trình vận chuyển, lưu giữ hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định của Nghị định này (nếu có).

- BCT thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi doanh nghiệp có vi phạm trong các trường hợp sau:

+ Gian lận trong việc kê khai các điều kiện theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP.(1)

+ Không duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP trong quá trình sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.(2)

+ Không nộp bổ sung đủ số tiền ký quỹ trong vòng 30 ngày kể từ ngày BCT có thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.(3)

+ Không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về điều tiết hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều 14 Nghị định 69/2018/NĐ-CP.(4)

+ Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa mà không có Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất do BCT cấp theo quy định.(5)

+ Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.(6)

+ Từ chối trách nhiệm xử lý đối với những lô hàng đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam theo hợp đồng nhập khẩu đã ký.(7)

+ Tự ý chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.(8)

+ Tự ý phá mở niêm phong hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.(9)

Lưu ý:

- Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại (1), (2), (3), (4), (5), (8), (9) không được cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong vòng 2 năm kể từ ngày bị thu hồi.

- Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại (6), (7) không được xem xét cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Như vậy, theo quy định trên thì BCT sẽ thu hồi Mã số theo đề nghị của doanh nghiệp nếu đã hoàn thành nghĩa vụ về hàng hóa tạm nhập, tái xuất; thu hồi Mã số nếu doanh nghiệp vi phạm về kê khai, điều kiện kinh doanh, ký quỹ, điều tiết hàng hóa, giấy phép, hàng hóa cấm, xử lý hàng nhập khẩu, chuyển tiêu thụ nội địa trái phép; thu hồi Mã số do vi phạm một số trường hợp nhất định sẽ không được cấp lại trong 2 năm hoặc không được xem xét cấp lại.

Đình chỉ Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa trong trường hợp nào?

Theo Điều 29 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong trường hợp sau:

- BCT xem xét đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan chức năng điều tra các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

- Thời gian tạm thời đình chỉ hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm tùy trường hợp cụ thể hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

Như vậy, BCT có thể đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp bị điều tra vi phạm hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng. Thời hạn đình chỉ tạm thời là 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy trường hợp cụ thể hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng. Việc đình chỉ tạm thời nhằm ngăn chặn vi phạm, bảo đảm xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa được cấp

Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp khi sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa được cấp có trách nhiệm sau:

- Duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP trong suốt quá trình doanh nghiệp sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

- Nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng.

- Thu gom và xử lý chất thải, nước thải để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.

- Thanh toán toàn bộ các khoản chi phí sau đây (nếu phát sinh):

+ Xử lý, làm sạch môi trường nếu hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình lưu giữ, tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam.

+ Tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

+ Thanh toán các chi phí khác phát sinh do doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và gửi kho ngoại quan hàng hóa.

- Báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Điểm neoNghị định 69/2018/NĐ-CP theo mẫu do BCT quy định.

Như vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và chịu chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
482

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]