07/09/2023 15:32

Thông tư 32/2023/TT-BCA: CSGT có thể mặc thường phục để xử lí vi phạm giao thông?

Thông tư 32/2023/TT-BCA: CSGT có thể mặc thường phục để xử lí vi phạm giao thông?

Tôi nghe bạn bè nói rằng: Từ ngày 15/9/2023 cảnh sát giao thông được phép hóa trang (mặc thường phục) xử lí vi phạm giao thông, thông tin này có thật không? Mỹ Lệ - Hải Phòng.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 15/9/2023, Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông chinsht hức có hiệu lực.

>> Xem thêm: 03 loại giấy tờ mà Cảnh sát giao thông được kiểm tra khi dừng xe kiểm soát từ ngày 15/9/2023

1. Cảnh sát giao thông có thể mặc thường phục để xử lí vi phạm giao thông?

Theo đó, tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA về tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang (mặc thường phục) của CSGT khi làm nhiệm vụ như sau:

"Tổ Cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Trước đó, tại Điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về trang phục của Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ như sau:

- Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

- Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Theo quy định tại  Thông tư 65/2020/TT-BCA, CSGT được phép mặc thường phục khi làm nhiệm vụ khi được bố trí phân công làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vây, so với quy định cũ thì Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định CSGT được phép mặc thường phục phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Tức là khi CSGT phát hiện hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công, không còn phải thông báo cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý như quy định cũ trước đó.

2. Từ ngày 15/9 Cảnh sát giao thông được mặc thường phục trong trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA về các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm:

- Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

- Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Đồng thời, thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau:

- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA;

- Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

- Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA ban hành.

Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều này quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang;

- Bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ Cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động Nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định. (Căn cứ tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA)

Trân trọng

Nguyễn Ngọc Trầm
2340

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn