20/12/2024 17:53

Thống kê các quy định áp dụng khi thực hành thí nghiệm về hóa chất, máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục

Thống kê các quy định áp dụng khi thực hành thí nghiệm về hóa chất, máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục

Đối với công tác về thực hành thí nghiệm có sử dụng hóa chất, vận hành máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục thì cần lưu ý các quy định gì đối với các vấn đề như: phòng cháy chữa cháy, điều kiện của người dạy, vận hành máy, an toàn hóa chất?

Quy định về phòng cháy chữa cháy khi thực hành thí nghiệm có sử dụng hóa chất, vận hành máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục

Căn cứ Nghị định 136/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP, danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy xem tại Phụ lục I Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

Theo đó, tùy quy mô của cơ sở mà cần đáp ứng điều kiện về phòng cháy chữa cháy, phương án phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về thiết kế về phòng cháy chữa cháy tương ứng. Cụ thể các phụ lục tại Nghị định 50/2024/NĐ-CP sẽ phân loại như sau:

-  Phụ lục I về danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy có bao gồm: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục.”

Đối với cơ sở thuộc Phụ lục này cần phải lập phương án phòng cháy chữa cháy theo Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

-  Phục lục II về danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có bao gồm: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 350 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 10.000 m3 trở lên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.”

Đối với cơ sở thuộc phụ lục này thì cần phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Điều 24 Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

-  Phụ lục III về danh mục cơ sở do cơ quan Công an quản lý có bao gồm: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 2.000 m3 trở lên; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập từ 1.000 m3 trở lên.”

Đối với cơ sở thuộc danh mục này thì cần phải tuân thủ quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

-  Phụ lục IV về danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý có bao gồm: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có dưới 100 cháu và có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3; trường tiểu học, trung học cơ sở có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 2.000 m3; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục có tổng khối tích các khối nhà học tập, phục vụ học tập dưới 1.000 m3.”

Đối với cơ sở thuộc danh mục này thì cần phải tuân thủ quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

-  Phụ lục V về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy có bao gồm: “Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà, công trình của học viện, trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.”

Đối với cơ sở thuộc danh mục này cần phải thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 50/2024/NĐ-CP.

Quy định cần lưu ý khi vận hành máy trong thực hành thí nghiệm về hóa chất, máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục

Theo đó, trường hợp trường bố trí máy, thiết bị ở phòng thí nghiệm để thực hiện giảng dạy là Danh mục máy móc, thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về lao động thì cũng phải đảm bảo sử dụng, khai báo, kiểm định theo Điều 30 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.

Nếu không phải máy, thiết bị thuộc Danh mục máy móc, thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về lao động nhưng có quy chuẩn kỹ thuật về máy móc, thiết bị yêu cầu phải được kiểm định trong quá trình sử dụng thì cũng thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật đó  theo Điều 42 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.

Quy định về an toàn hóa chất khi thực hành thí nghiệm có sử dụng hóa chất, vận hành máy móc, thiết bị tại cơ sở giáo dục

Nếu việc thực tập hay thực hành nếu có sử dụng hóa chất thì lưu ý Điều 33 Luật Hóa chất 2007 như sau:

Điều 33. Sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học

1. Người đứng đầu cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và người trực tiếp sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn hóa chất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Phòng thí nghiệm phải có trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với tính chất nguy hiểm của hóa chất.

3. Dụng cụ chứa hóa chất trong phòng thí nghiệm và trong kho chứa phải có nhãn phù hợp yêu cầu về nhãn hóa chất theo quy định của pháp luật.

4. Phòng thí nghiệm phải lập hồ sơ theo dõi hóa chất để cập nhật định kỳ tình hình sử dụng hóa chất; lưu giữ phiếu an toàn hóa chất.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học tại Thông tư 04/2019/TT-BKHCN, trong đó Khoản 7 Điều 8 Thông tư 04/2019/TT-BKHCN có yêu cầu người đứng đầu cơ sở thí nghiệm, nghiên cứu khoa học tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử người tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất quy định tại Điều 31 Nghị định 113/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 82/2022/NĐ-CP.

Theo đó cơ sở giáo dục có thực hành thí nghiệm về hóa chất, máy móc, thiết bị tại cần lưu ý các quy định nêu trên trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Mai Xuân Hà
34

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]