10/01/2020 08:14

Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Yêu cầu hủy Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”

Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Yêu cầu hủy Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”

Thông qua công tác kháng nghị và kết quả giải quyết giám đốc thẩm vụ án lao động “Yêu cầu hủy Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm có một số vi phạm cần thông báo để rút kinh nghiệm.

Nội dung và quá trình giải quyết vụ án

Bà Lê Thị Thu Nh đã được tuyển dụng vào làm việc tại Nhà khách tỉnh D từ tháng 10/2010 qua nhiều lần ký hợp đồng lao động. Ngày 01/11/2015, bà Nh ký hợp đồng lao động với Nhà khách tỉnh, thời hạn hợp đồng lao động là 03 năm từ ngày 01/11/2015 đến ngày 01/11/2018, vị trí làm việc là nhân viên lễ tân nhà khách. Lương cơ bản là 2.916.100 đồng, lương thực nhận sau khi trừ bảo hiểm xã hội là 2.700.000 đồng. Quá trình làm việc, bà Nh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 28/2/2017, bà Nh được Giám đốc Nhà khách tỉnh D ký xác nhận đồng ý cho bà Nh nghỉ phép 15 ngày (từ ngày 02/3/2017 đến hết ngày 16/3/2017). Tuy nhiên, khi hết thời gian nghỉ phép, bà Nh bị đau mắt phải đi khám và điều trị tại Bệnh viện tỉnh D, Vì vậy, ngày 17/3/2017, bà Nh đã đưa theo tất cả giấy tờ khám và điều trị bệnh đến cơ quan xin phép nghỉ và được Trưởng phòng Hành chính cho phép, nên bà Nh đã nghỉ từ ngày 20/3/2017 đến ngày 23/3/2017. Ngoài ra, do tính chất công việc và quy định của Nhà khách là trong 01 tháng, nhân viên trong cơ quan được thay nhau nghỉ 06 ngày. Do đó, bà Nh đã trực tiếp xin anh Trần Văn Đ là Tổ  trưởng bộ phận Nhà hàng nghỉ phép ngày 01/3/2017 và được anh Đ cho phép nghỉ. Đây là quy định của Nhà khách tỉnh, vì vậy, bà Nh không đồng ý với Bảng chấm công tháng 03/2017 mà Nhà khách tỉnh giao nộp cho Tòa án rằng bà nghỉ ngày 01/3/2017 là không phép.

Đến ngày 24/3/2017, bà Lê Thị Thu Nh đi làm lại và Giám đốc Nhà khách yêu cầu bà viết Bản tường trình về việc nghỉ những ngày không phép là ngày 01/3/2017 và các ngày 20, 21, 22, 23/3/2017. Bà Nh đã viết Bản tường trình giải trình nộp cho Giám đốc Nhà khách. Ngày 31/3/2017, Nhà khách tỉnh tổ chức cuộc họp xét kiểm điểm, kỷ luật bà Nh, bà Nh có tham gia cuộc họp nhưng giữa cuộc họp, bà ra ngoài có việc và quay lại không được tham gia tiếp cuộc họp. Được lãnh đạo yêu cầu viết Bản kiểm điểm nhưng bà Nh không đồng ý vì cho rằng mình không làm sai. Đến ngày 03/4/2017, Giám đốc Nhà khách tỉnh D ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 19/QĐ-NK về việc chấm dứt hợp đồng lao động với bà Nh với lý do nghỉ làm không xin phép 05 ngày và có những hành động, phát ngôn vi phạm quy định trong quy chế làm việc áp dụng cho nhân viên Nhà khách.

Không đồng ý với Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên, bà Lê Thị Thu Nh khởi kiện đến TAND huyện B, tỉnh D yêu cầu Tòa án hủy Quyết định trên và bồi thường những khoản tiền sau: Tiền mất việc từ ngày 03/4/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm mỗi tháng 2.700.000 đồng; 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái luật: 2 x 2.700.000 đồng = 5.400.000 đồng; tiền 06 năm làm việc tại Nhà khách, mỗi năm 01 tháng lương: 6 x 2.700.000 đồng = 16.200.000 đồng; bồi thường số tiền 2.700.000 đồng tương ứng với 01 tháng tiền lương do vi phạm quy định về thời hạn báo trước; yêu cầu Nhà khách tỉnh phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ ngày ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật từ ngày 03/4/2017 đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm.

Ngoài ra, bà Nh không đồng ý quay trở lại làm việc nên đề nghị Nhà khách tỉnh phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Nh theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bà Nh rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với nội dung: Yêu cầu Tòa án tuyên hủy Thông báo số 14/TB-NK ngày 16/11/2017 về việc thu hồi tiền ứng quỹ lương năm 2016 và yêu cầu Nhà khách tỉnh chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp tổng số tiền là 14.580.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền bà Nh yêu cầu Nhà khách tỉnh phải bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 63.180.000 đồng, sau khi trừ số tiền bà Nh rút yêu cầu khởi kiện là 14.580.000 đồng, bà Nh còn yêu cầu Nhà khách tỉnh phải bồi thường số tiền là 48.600.000 đồng.

- Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 20/7/2018 của TAND huyện B, tỉnh D quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị Thu Nh về việc yêu cầu tuyên hủy Quyết định số 19/QĐ-NK ngày 03/4/2017 của Nhà khách tỉnh D và bồi thường những khoản tiền: Tiền mất việc từ ngày 03/4/2017 đến ngày xét sơ thẩm mỗi tháng 2.700.000 đồng; 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật: 2 x 2.700.000 = 5.400.000 đồng; tiền 06 năm làm việc tại Nhà khách, mỗi năm 01 tháng lương: 6 x 2.700.000 = 16.200.000 đồng; yêu cầu Nhà khách tỉnh phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ ngày ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật từ ngày 03/4/2017 đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Thu Nh về việc yêu cầu Nhà khách tỉnh D bồi thường khoản tiền 2.700.000 đồng tương ứng với 01 tháng tiền lương do vi phạm quy định về thời hạn báo trước 30 ngày.

Nhà khách tỉnh D phải thanh toán cho bà Lê Thị Nh khoản tiền tương ứng với 01 tháng tiền lương của bà Nh do vi phạm quy định về thời hạn báo trước 30 ngày là 2.700.000 đồng.

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Thu Nh về việc: Yêu cầu tuyên hủy Thông báo số 14/TB-NK ngày 06/11/2017 về việc thu hồi tiền ứng quỹ lương năm 2016 và yêu cầu Nhà khách tỉnh chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp tổng số tiền là 14.580.000 đồng. Bà Lê Thị Thu Nh được quyền khởi kiện lại bằng vụ án lao động khác.

- Bản án lao động phúc thẩm số 03/2018/LĐ-PT ngày 27/11/2018 của TAND tỉnh D tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị Thu Nh về yêu cầu Nhà khách tỉnh D phải bồi thường cho bà Lê Thị Thu Nh, những khoản tiền do Nhà khách tỉnh D đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với bà Lê Thị Thu Nh. Buộc Nhà khách tỉnh D phải bồi thường cho bà Lê Thị Thu Nh số tiền 44.932.000 đồng, do Nhà khách tỉnh D đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, đối với bà Lê Thị Thu Nh. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Thu Nh về việc yêu cầu tuyên hủy Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 19/QĐ-NK ngày 03/4/2017 của Nhà khách tỉnh D.

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Thu Nh, đối với yêu cầu tuyên hủy Thông báo số 14/TB-NK ngày 06/11/2017 về việc thu hồi tiền ứng quỹ lương năm 2016 và yêu cầu Nhà khách tỉnh chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp tổng số tiền là 14.580.000 đồng.

Bà Lê Thị Thu Nh được quyền khởi kiện lại bằng vụ án khác nếu có yêu cầu và có đủ điều kiện khởi kiện.

- Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 55/QĐ-VKS-LĐ ngày 29/5/2017 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, sửa Bản án lao động phúc thẩm nêu trên theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lê Thị Thu Nh, hủy toàn bộ Quyết định số 19/QĐ-NK ngày 03/4/2017 của Nhà khách tỉnh D; xác định lại các khoản bồi thường cho nguyên đơn là bà Lê Thị Thu Nh theo đúng quy định pháp luật và tính lại phần án phí sơ thẩm.

- Tại Quyết định giám đốc thẩm số 02/2019/LĐ-GĐT ngày 30/8/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ Bản án lao động phúc thẩm số 03/2018/LĐ-PT ngày 27/11/2018 của TAND tỉnh D và toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm số 01/2018/LĐ-ST ngày 20/7/2018 của TAND huyện B, tỉnh D về vụ án “Tranh chấp yêu cầu hủy Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thu Nh với bị đơn là Nhà khách tỉnh D; giao hồ sơ cho TAND huyện B, tỉnh D để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về tố tụng

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Quyết định số 19/QĐ-NL ngày 03/4/2017 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Lê Thị Thu Nh của Nhà khách tỉnh là không trái quy định pháp luật nên các yêu cầu bồi thường do chấm dứt hợp đồng trái luật của bà Nh đều không có cơ sở chấp nhận. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Quyết định số 19/QĐ-NL nêu trên thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động, sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường của bà Lê Thị Thu Nh đã làm mất quyền kháng cáo của các đương sự đối với yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật. Bởi vì Bản án sơ thẩm chưa xem xét cụ thể về vấn đề bồi thường, lẽ ra Tòa án cấp phúc thẩm khi nhận định Quyết định số 19 nêu trên là trái pháp luật thì phải hủy Bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại mới đúng.

Về nội dung

- Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 19/QĐ-NK ngày 03/4/2017 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Lê Thị Thu Nh: Việc bà Lê Thị Thu Nh tự ý nghỉ việc không xin phép, có những hành động, phát ngôn vi phạm quy định trong quy chế làm việc áp dụng cho nhân viên Nhà khách không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định Quyết định số 19 thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động là có căn cứ. Căn cứ Điều 42 Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, trường hợp nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì phải trở lại làm việc, trường hợp nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng do bà Lê Thị Thu Nh không yêu cầu Nhà khách tỉnh D nhận bà trở lại làm việc nên không cần thiết phải hủy Quyết định trên là không đúng. Việc bà Nh không đồng ý trở lại làm việc là ý chí chủ quan của bà Nh và được pháp luật chấp nhận, không làm thay đổi bản chất của Quyết định số 19/QĐ-NL là quyết định trái pháp luật và cần thiết phải hủy Quyết định trên để trả lại sự công bằng cho bà Nh. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự cùng khai bà Nh vào làm việc tại Nhà khách tỉnh D từ tháng 10/2010, Nhà khách ký Hợp đồng lao động với bà Nh nhiều lần, lần cuối cùng vào ngày 01/11/2015, thời hạn 03 năm. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm phải thu thập tài liệu, chứng cứ, cụ thể là các hợp đồng lao động ký kết trước đó để làm rõ lời khai của các bên đương sự, từ đó có cơ sở kết luận hợp đồng lao động phát sinh tranh chấp là hợp đồng không xác định thời hạn hay hợp đồng xác định thời hạn làm cơ sở giải quyết hậu quả pháp lý tương ứng.

- Đối với yêu cầu bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc: Tại Đơn khởi kiện cũng như ghi nhận tại Biên bản phiên tòa sơ thẩm, bà Nh yêu cầu Nhà khách phải bồi thường cho bà tiền lương trong những ngày làm việc từ khi Nhà khách ban hành Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (03/4/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2018) (tức là 15 tháng 17 ngày). Bà Nh cũng khai rằng tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, bà không thể biết khi nào sẽ xét xử sơ thẩm nên ước tính là 09 tháng. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bà Nh chỉ yêu cầu số tiền cụ thể (ghi tại Đơn khởi kiện) là 09 x 2.700.000 đồng = 24.300.000 đồng nên chỉ xét 09 tháng, 06 tháng 17 ngày còn lại là vượt quá yêu cầu khởi kiện nên không xem xét là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của bà Nh.

- Đối với khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Tòa án cấp phúc thẩm tính thành số tiền và buộc Nhà khách tỉnh D trả trực tiếp cho bà Nh là không phù hợp, chỉ cần tuyên buộc người sử dụng lao động (Nhà khách tỉnh D) phải thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động (bà Lê Thị Thu Nh) trong thời gian người lao động không được làm việc, chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Nguồn: Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao

2821

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]